Giải khát cho… cao nguyên đá

Giải khát cho… cao nguyên đá

Mỗi khi đến mùa khô, vùng cao nguyên đá rộng lớn của tỉnh Hà Giang lại chìm trong cơn khát. Mưa về, nước từ trên cao cứ ào ào tuôn chảy mà chẳng có cách nào giữ lại được. Lần này lên Đồng Văn, ông Sùng Đại Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn mừng rỡ: “Nhờ nhà nước hỗ trợ, chúng tôi giữ được nước cho cao nguyên rồi”.

Làm hồ treo trên núi

Một đường nước dẫn về hồ treo trên cao nguyên đá Hà Giang
Một đường nước dẫn về hồ treo trên cao nguyên đá Hà Giang

Trong những ngày lang thang trên vùng cao nguyên đá, chúng tôi mới thấy nước là chuyện nan giải của người dân địa phương trong nhiều năm qua. Hiệu trưởng trường THCS xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ) Nhữ Thị Hiền, có thâm niên nhiều năm sống ở đây cho biết: “Khổ nhất ở đây là thiếu nước. Mưa về nước chảy ào ào, thấm qua khe đá là đi hết. Ai hứng được giọt nào thì hứng, còn không thì ra suối (chỉ mùa mưa mới có). Nhưng bây giờ ngon lắm, có hồ treo này thì chúng tôi được “giải khát” rồi”. Đúng như lời cô giáo Hiền. Hàng loạt các hồ nhân tạo được “treo” trong lòng thung lũng của cao nguyên đá. Nhắc đến nó người dân địa phương cứ kể vanh vách: hồ Xà Phìn, tại bản Xà Phìn B, huyện Đồng Văn có dung tích 3 ngàn khối; hồ Tả Lủng ở huyện Mèo Vạc có thể chứa đến 3 vạn khối nước.

Kỹ sư Nguyễn Đăng Tâm, người tham gia thi công hồ Tả Lủng cho biết: “Công nghệ làm hồ trên núi đã có từ những năm 50 - 60 rồi. Hàng loạt các hồ “treo” như: Thác Bà, Núi Cốc, Kẻ Gỗ… Hồ lớn hơn có thể kể là Hòa Bình, IALY, Sê San. Và sắp tới đây, còn có hồ cực lớn như hồ Sơn La với dung tích lên đến hàng chục tỷ mét khối nước, được tích trữ và “treo” trên cao. Làm hồ chứa ở cao nguyên đá thì đúng là rất mới. Mới ở đây là phải biết lấy nguồn nước từ trong… đá. Nếu không biết “bắt mạch” nước trong đá thì làm hồ chỉ để… hứng nước mưa thôi”. Tâm kể, để làm được cái hồ Tà Lủng này, công nhân phải làm cả ngày lẫn đêm. Anh em đã dùng thuốc nổ để “dọn dẹp” đá, tạo lòng hồ: hơn 1.000 khối đá vôi, đá xanh được “bóc” gọn, 10 hang ngầm Castơrs được san lấp, xử lý triệt để. Nhiều chỗ phải dùng vải địa kỹ thuật bọc lót nền rồi đổ bê tông trùm lên để chống thấm và phòng rò rỉ.

Ngày hồ Tà Lủng khánh thành, bà con quanh vùng nô nức kéo đến xem hồ. Cụ ông Giang A Pao, 79 tuổi, dân tộc Mông, nhà ở bản Tả Ngai reo hớn hở: “Lần đầu tiên tao mới thấy cái hồ rộng như thế này. Sướng lắm chứ. Từ nay dân làng đã có nước, khỏi phải đi bộ mỏi cái chân hàng chục cây số nữa rồi. Cám ơn Đảng, cám ơn nhà nước”.

“Bắt mạch” nước từ trong... đá

 
Hồ treo Xà Phìn ở huyện Đồng Văn
Hồ treo Xà Phìn ở huyện Đồng Văn

Về chuyện “bắt mạch nước ngầm từ trong đá”, tiến sĩ Vũ Cao Minh, công tác ở Viện Địa chất, chủ nhiệm đề tài làm “hồ treo” trên núi, bảo đúng là rất lạ. Từ trước tới nay, mọi người chỉ nghe tìm mạch nước trên đất, chứ mấy ai tìm mạch nước trên đá bao giờ. Bản thân ông đã có nhiều tháng sống ở đây để tìm hiểu, vì sao mưa rất lớn mà nước thì cứ “biến” đi mất. Càng nghiên cứu, ông càng thấy sự thú vị của thiên nhiên. Tất nhiên, nước không thấm nhiều vào đá, mà chảy theo các rãnh, khe núi thấm vào các hang ngầm Castơrs. Rồi từ đó, các “mạch ngầm” này thấm sâu và chảy xuống sông Nho Quế. Quả thực, cả vùng cao nguyên rộng lớn, lượng mưa không phải nhỏ, song chẳng đọng lại giọt nào.

“Ở đây, nước quý như vàng mà để nước chảy như thế thì quá lãng phí”, ông Minh nói. Để lấy nước từ hang ngầm và các mạch nước trong… đá, nhóm nghiên cứu đề tài đã dùng giải pháp thu nước, dẫn nước bằng đường ống từ các quả núi trơ trọi trên cao nguyên xanh thẫm những đá này. Từ đó, nước được dẫn về hồ treo để chứa và phục vụ cho sinh hoạt người dân. Chẳng hạn như hệ thống hồ Nà Pạ ở huyện Yên Minh. Vùng này có một “chùm” 3 hồ gồm: hồ Nà Phạ (5 vạn khối), hồ Ngậm Sọc (4 vạn khối) và hồ Cua M, dung tích 5 vạn khối. Ở độ cao từ 1.150m đến 1.200m, lượng nước mưa thấm vào núi đá ở khu vực này là cực lớn. Nếu chỉ trữ cho Nà Phạ thì quá thừa, nên Ban quản lý dự án làm tiếp các hồ khác theo địa hình thấp dần xuống để tận dụng hết nguồn nước thiên nhiên. Tới đây, dự án sẽ tiếp tục thi công một hồ lớn nữa là hồ Há Xúa (Mỡ Vạc) có sức chứa đến 15 vạn khối nước.

 Hiện nay, có nhiều vùng miền núi phía Bắc nước ta (như vùng Lục Khu tỉnh Cao Bằng hay hàng loạt các huyện của tỉnh Lai Châu, Sơn La) đang lâm vào cảnh “khát” không kém gì cao nguyên đá Hà Giang. Nếu mô hình  “hồ treo” ở Hà Giang thành công, nên chăng, cần có dự án ở những nơi này để đời sống nhân dân đỡ vất vả hơn.

Tin cùng chuyên mục