Giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, vừa chủ trì cuộc họp đánh giá việc thực hiện kế hoạch trong thời gian qua. Số liệu do Bộ Tài chính cung cấp cho biết, tính tới hết tháng 11-2016, việc giải ngân vốn từ ngân sách nhà nước đã gấp 2 lần so với thời điểm đầu tháng 7-2016.
Giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch

* Sắp xếp doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TPHCM

(SGGP).- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, vừa chủ trì cuộc họp đánh giá việc thực hiện kế hoạch trong thời gian qua. Số liệu do Bộ Tài chính cung cấp cho biết, tính tới hết tháng 11-2016, việc giải ngân vốn từ ngân sách nhà nước đã gấp 2 lần so với thời điểm đầu tháng 7-2016.

Ước 12 tháng, giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước được 109.094 tỷ đồng, đạt gần 83% kế hoạch, trong đó vốn trong nước đạt 77,8% kế hoạch, vốn ngoài nước đạt 90% kế hoạch. Về vốn trái phiếu chính phủ, giải ngân 11 tháng được 22.129 tỷ đồng, đạt 53,3% kế hoạch, gấp hơn 2 lần so với thời điểm đầu tháng 7. Ước 12 tháng, cả nước giải ngân được 31.800 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch của năm 2016. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương giải ngân còn chậm.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 không đạt kế hoạch. Ảnh: CAO THĂNG


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều cố gắng, nhưng tốc độ giải ngân của những tháng cuối năm không đủ bù đắp lại sự chậm trễ của giai đoạn đầu năm. Mặc dù Luật Đầu tư công quy định tới ngày 30-1-2017 mới hoàn thành thanh toán, giải ngân vốn kế hoạch năm 2016, nhưng với tình hình như hiện nay sẽ không đạt giải ngân 100% kế hoạch.

Để tiếp tục thực hiện kế hoạch năm 2016 và thúc đẩy giải ngân trong năm 2017, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì và phối hợp với các bộ rà soát các vấn đề liên quan tới quy định của pháp luật; phân định rõ từng vướng mắc là do luật, nghị định, thông tư, hay vì nhận thức của cán bộ; áp dụng pháp luật để tăng cường tháo gỡ, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương. Bộ Xây dựng tiếp tục tăng cường phân cấp trong phê duyệt thẩm định dự án; tiếp tục khắc phục những vướng mắc giải phóng mặt bằng, phối hợp các bộ, ngành trong triển khai các dự án đầu tư công.

Với các bộ, ngành, địa phương giải ngân được 50% vốn kế hoạch, phải kiểm điểm nghiêm khắc trước Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất ngày 31-12 gửi báo cáo nêu rõ số giải ngân tuyệt đối, danh mục dự án chậm giải ngân và đề xuất việc điều chuyển vốn sang các dự án khác, thậm chí là cắt giảm vốn đầu tư. Về việc chưa giải ngân được số vốn dư 16.000 tỷ đồng từ các dự án mở rộng quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ GTVT và các bộ liên quan phải báo cáo cụ thể cho từng dự án, gửi trước ngày 31-12. Bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ xử lý trách nhiệm cá nhân các cán bộ làm chậm việc giải ngân số vốn này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có kết luận về phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trực thuộc UBND TPHCM, giai đoạn 2016 - 2018.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TPHCM thực hiện cổ phần hóa các DNNN theo đúng tiêu chí và danh mục phân loại DNNN. Đối với các trường hợp riêng, trường hợp đặc thù mà TP cần thay đổi tỷ lệ cổ phần hóa thì kiến nghị để Thủ tướng xem xét, quyết định. Việc chuyển nhượng 4 khách sạn của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và điều chuyển DN của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định khi phê duyệt phương án cổ phần hóa của 2 tổng công ty này.

Đối với các tổng công ty nhà nước trực thuộc UBND TPHCM, kết luận của Phó Thủ tướng nêu rõ: Nhà nước giữ trên 65% vốn điều lệ khi bán cổ phần lần đầu và sau năm 2019 thoái vốn xuống tỷ lệ quy định đối với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn. Đối với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ khi bán cổ phần lần đầu và sau năm 2019 thoái vốn xuống tỷ lệ quy định.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng vừa đồng ý về sự cần thiết triển khai dự án Trung tâm Thương mại ngầm Bến Thành, TPHCM, giao UBND TP nghiên cứu phương án vay lại toàn bộ nguồn vốn ODA để triển khai dự án. Trên cơ sở đó, làm việc với các bộ: KH-ĐT, Xây dựng, Tài chính để thống nhất phương án phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục