5 tháng đầu năm nay, nhập siêu đã lên tới gần 19% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 6,5 tỷ USD, trong khi đó mục tiêu đặt ra cho cả năm chỉ 16%. Với cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay cộng thêm với tình hình biến động giá các mặt hàng trên thế giới, kế hoạch kiềm chế nhập siêu đặt ra cho năm nay là rất khó khăn.
Diễn biến tình hình nhập siêu những tháng đầu năm cho thấy có sự tăng dần đều trong 3 tháng qua. Đáng chú ý kết quả nhập siêu tăng mạnh trong tháng 5 do xuất khẩu giảm. Cụ thể, trong tháng xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng 4 còn nhập khẩu ước đạt 9,2 tỷ USD, tăng 3% so với tháng trước. Càng đáng lo hơn khi thâm hụt thương mại nước ta thường có chiều hướng tăng dần vào cuối năm.
Trước diễn biến đó và để triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, hàng loạt quy định siết chặt nhập khẩu đối với các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động, ô tô… đã được áp dụng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên thừa nhận: Các biện pháp giảm nhập siêu chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hóa cần hạn chế và kiểm soát nhập khẩu, trong khi tỷ trọng của hai nhóm này chỉ chiếm 16,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Vì vậy việc giảm nhập siêu chưa đạt mục tiêu đề ra. Ngược lại, nhóm hàng cần nhập khẩu gồm: máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu, chiếm tỷ trọng khoảng 83,1% nhưng các biện pháp quản lý nhập khẩu đối với nhóm này chưa thật sự phát huy tác dụng.
Cộng hưởng vào nhập siêu 5 tháng đầu năm tăng còn có yếu tố giá cả tăng khiến nhập siêu thêm 1,5 tỷ USD. Một trong những “thủ phạm” chính được xác định là giá xăng dầu tăng. Cụ thể, 5 tháng đầu năm, xăng dầu nhập khẩu đã lên đến trên 5,14 triệu tấn với giá trị hơn 4,5 tỷ USD, trong khi tăng về lượng chỉ 15,6% thì tăng về giá lên đến 41%. Nhiều năm liền xuất khẩu dầu thô đủ bù cho nhập khẩu xăng dầu, nhưng 5 tháng qua, xuất khẩu dầu thô chỉ thu về 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, những yếu tố trên mới phản ảnh bề nổi của vấn đề. Bởi nhập siêu của Việt Nam từ lâu đã được nhiều chuyên gia cảnh báo do sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ. Với một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nhưng hầu hết nguyên liệu, máy móc, thiết bị đều phải nhập khẩu, đương nhiên sẽ dẫn đến nhập siêu. Tất nhiên, với một nền kinh tế đang phát triển, việc nhập khẩu là bình thường nhưng đáng lo ngại, tình hình này sau nhiều năm đến nay vẫn chưa thay đổi.
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, ngành công nghiệp phụ trợ kém phát triển trở thành nguyên nhân quan trọng cơ bản nhất khiến nhập siêu tăng đều hàng năm. Do đó, dù tỷ giá được điều chỉnh theo hướng có lợi cho xuất khẩu, nhưng do cơ cấu giá trị hàng xuất khẩu vẫn bao hàm tỷ trọng lớn đầu vào nhập khẩu nên giải pháp tỷ giá cũng không phát huy hiệu quả tích cực.
Một trong những biện pháp hạn chế nhập siêu là tăng xuất khẩu nhưng thực tế hiện nay, nhiều mặt hàng xuất khẩu giá trị lớn song giá trị gia tăng không nhiều thì càng làm tăng nhập khẩu và có tác dụng ngược lại (dệt may là ví dụ điển hình khi phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu, hay xuất khẩu không bù đắp được nhập khẩu như dầu thô). Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nhưng trong xuất khẩu lại thiếu vắng nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu đúng nghĩa là nguyên nhân khiến biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu ít phát huy tác dụng.
Liên quan đến việc xác định mặt hàng chủ lực, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chia sẻ một kinh nghiệm của Ireland. Chính phủ nước này đã thành lập một hiệp hội doanh nghiệp và cấp vốn lên tới 3 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân có ý tưởng nghiên cứu, kinh doanh dược phẩm, hóa phẩm tốt và đầu tư vào đó với tỷ lệ 70%. Sau đó nhà nước xúc tiến quảng bá những sản phẩm làm ra tại 30 cơ quan đại diện trên thế giới, thúc đẩy các doanh nghiệp nhận các khoản đầu tư này lên sàn và bán ra cổ phiếu để hiện thực hóa lợi nhuận, thu hồi vốn đầu tư. Đây là kinh nghiệm đáng để Việt Nam xem xét trong việc xác định mặt hàng chủ lực xuất khẩu.
HÀ MY