Cuối mùa bóng trước, tưởng chừng như bóng đá Việt Nam đã thực hiện được cơn “đại phẫu” sau khi các ông bầu bóng đá kiên quyết đưa các vấn đề tiêu cực ra ánh sáng. Vẫn là những căn bệnh cũ: đội bóng “mồi chài” trọng tài, trọng tài sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Bạo lực sân cỏ làm sút giảm chất lượng chuyên môn cũng như khán giả đến sân... Rồi Công ty VPF ra đời mang theo niềm hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ bước sang trang mới.
Kết quả là đến thời điểm này, mọi thứ vẫn như cũ. Không phủ nhận những nỗ lực của các ông bầu tại VPF đã cố gắng cảnh báo và chủ động truy tìm các “trận đấu đen” ở lượt đi mùa giải. Tuy nhiên, với những gì vừa xảy ra, từ vụ đánh trọng tài trên đường cao tốc đến nghi án dàn xếp tỷ số tại giải hạng nhất, không thể không suy nghĩ: Dường như bao nhiêu nỗ lực ấy đều không đủ.
Nói cho chính xác: điều mà chúng ta đang làm là tìm cách trị thông qua việc trừng phạt, kỷ luật hơn là ngồi lại với nhau để truy tận gốc căn nguyên của các bất ổn trong nền bóng đá. Ví dụ, vụ trọng tài Võ Minh Trí bị tấn công lại chẳng hề xuất phát từ cách cầm còi của ông này mà chỉ là hậu quả của việc hành xử thiếu văn hóa, kém hiểu biết về luật của cầu thủ, HLV trên sân để tạo nên sự kích động vô lối đối với CĐV. Như vậy, không thể nói chấn chỉnh công tác trọng tài là xong mà phải giải quyết các mâu thuẫn giữa CLB và trọng tài.
Kế đến, bùng phát bạo lực trên sân cỏ cũng như các biến tướng phức tạp trên khán đài lại có xu hướng bị tác động từ ngoài xã hội. Sân bóng trở thành nơi xả ức chế, là môi trường tự do một cách vô lý để người ta tự cho mình cái quyền “vô văn hóa” hết sức tùy tiện. Sân bóng là nơi tập hợp đông người, nếu cứ mất kiểm soát như vậy, sẽ có khả năng trở thành nơi phát sinh các nguy cơ mới cho xã hội trong vấn đề an ninh cộng đồng. Khi ấy, bóng đá chỉ là chất xúc tác và cũng là nạn nhân.
Nói như vậy để thấy tầm quan trọng của việc tìm ra căn nguyên của bạo lực cũng như các hiện tượng tiêu cực quan trọng hơn gấp nhiều lần so với việc chờ có chuyện mới đi xử lý. Tại sao có nạn dàn xếp tỷ số? Câu trả lời rất đơn giản: Vì kết quả thi đấu ảnh hưởng đến quyền lợi của CLB hoặc cá nhân của ai đó. Thành ra, muốn trị “bệnh tiêu cực”, tốt nhất là xem xét lại mục đích tìm kiếm quyền lợi của các bên liên quan.
Và như vậy, cần thiết có một cuộc “giải phẫu” toàn diện nền bóng đá. Những căn bệnh trong bóng đá đã mang màu sắc xã hội quá lớn mà bản thân những người làm bóng đá không thể đơn phương giải quyết. Không thể cứ phải bốc thuốc cho từng căn bệnh trên một cơ thể đã không còn sức đề kháng. Không thể “trị bệnh” cho bóng đá Việt Nam khi chính từng CLB, từng cầu thủ và cả cách vận hành của bộ máy quản lý không thể tự thanh lọc chính mình.
VIỆT QUANG