Giải phóng Sài Gòn - Hoàn thành Lời thề Độc lập

Tôi thuộc thế hệ Cách mạng Tháng Tám, có mặt trong ngày lễ Độc lập 2-9-1945. Sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, chúng tôi giơ tay Thề Độc lập. Thế hệ tôi mang lời thề ấy trong trái tim mình, đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cho tới ngày 30-4-1975 thì hoàn thành Lời thề Độc lập.
Giải phóng Sài Gòn - Hoàn thành Lời thề Độc lập

Tôi thuộc thế hệ Cách mạng Tháng Tám, có mặt trong ngày lễ Độc lập 2-9-1945. Sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, chúng tôi giơ tay Thề Độc lập. Thế hệ tôi mang lời thề ấy trong trái tim mình, đi suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ cho tới ngày 30-4-1975 thì hoàn thành Lời thề Độc lập.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945).

Ký ức ngày Độc lập

Ngày 2-9-1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại để lại dấu ấn không bao giờ phai trong ký ức của chúng tôi, những đội viên. Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu năm xưa, nay đều là những lính già đầu bạc, cứ mỗi độ thu về, lại cùng nhau họp mặt để ôn lại kỷ niệm của một thời tuổi trẻ. Đội Tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu là đơn vị bộ đội địa phương đầu tiên của Hà Nội do Thành ủy thành lập ngay sau Cách mạng Tháng Tám. Đây là một tổ chức vũ trang chất lượng cao, một đội quân cận vệ có nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh ở cấp trung ương, bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo khác, bảo vệ các cơ quan công khai của Xứ ủy Bắc kỳ và Thành ủy Hà Nội.

Ngày 2-9-1945, Đội Tự vệ chiến đấu có vinh dự lớn được cử hai đơn vị đến quảng trường Ba Đình dự Lễ Độc lập. Ngày 2-9-1945 là ngày hội lớn đầu tiên của đất nước. Hà Nội bát ngát cờ hoa. Các phố giăng đầy biểu ngữ đủ các thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga: “Độc lập hay là chết”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”... Đội ngũ tham dự mít tinh gồm đủ mọi thành phần, mọi tầng lớp xã hội: công nhân quần xanh áo trắng; dân quân ngoại thành áo nâu thắt lưng chẽn, tay cầm côn, kiếm, mã tấu, phụ nữ nông thôn áo tứ thân thắt lưng hoa lý; phụ nữ thủ đô lộng lẫy trong tà áo dài, thanh niên gọn gàng áo sơ mi cộc quần ngắn; thiếu nhi bước đều theo nhịp trống ếch, các cụ phụ lão, các nhà sư, các cố đạo đều có mặt trong các đoàn biểu tình. Đội danh dự xếp thành hàng ngũ chỉnh tề quanh lễ đài gồm các chiến sĩ Giải phóng quân từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, sát cánh cùng đội ngũ công an, thanh niên và tự vệ thủ đô bảo vệ lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời.

Ngày mùng 2-9, nắng thu vàng rực rỡ. Từ phía đường Điện Biên Phủ, Hà Nội, một đoàn ô tô cùng nhiều xe đạp đi chung quanh hộ tống tiến vào khu vực lễ đài. Mọi người hồi hộp nhìn về phía đoàn xe. Lúc đó, tôi đứng cạnh anh Hoàng Phương phụ trách bộ phận ở kỳ đài nên nhìn rất rõ. Trong đoàn người bước lên lễ đài có một ông cụ ăn mặc rất giản dị, áo ka ki cao cổ, chân đi dép cao su trắng, dáng đi nhanh nhẹn, tôi không nghĩ đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ đến khi nghe giới thiệu và Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, giọng nói vang như chuông pha âm sắc Nghệ An thì anh Hoàng Phương ghé sát vào tai tôi nói: “Ông cụ là Nguyễn Ái Quốc!”. Tôi bỗng nghẹn ngào vì mừng rỡ: Người đã về!

Cả biển người im phăng phắc lắng nghe tiếng nói của Người. Lời Bác điềm đạm, đầm ấm, nhưng cương quyết, từng câu, từng tiếng đi vào tâm khảm người nghe, tràn đầy tình cảm sâu sắc và ý chí kiên quyết. Đang nói bỗng dưng Bác dừng lại, hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Tức thì một triệu con người cùng đồng thanh đáp lại: “Có…ó…ó!...”. Cả quảng trường tiếng hô vang dậy như sấm. Cũng như nhiều người dân khác lần đầu tiên gặp Bác, tôi không ngờ Bác lại giản dị và gần gũi đến thế. Từ lúc đó, Bác và người dân đã hòa làm một.

Khi đọc lời Thề Độc lập, không khí thật thiêng liêng, xúc động. Nhiều người vừa hô “xin thề” vừa khóc. Bởi lẽ từ thân phận vong nô, người dân đã vùng dậy đứng lên làm chủ giang sơn, trở thành công dân của nước Việt Nam độc lập. đó là điều vô cùng sung sướng, vô cùng lớn lao mà chỉ những ai đã trải qua thời nô lệ mới thấu hiểu được. Chúng tôi đã cùng với toàn dân theo lời kêu gọi của Bác Hồ, bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ, thực hiện “Lời Thề Độc lập” cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. 

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường hoan hô bộ đội giải phóng Sài Gòn.

Ký ức ngày Giải phóng miền Nam

Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Không khí cơ quan Bộ Tổng tư lệnh sôi nổi hẳn lên. Mọi người rất vui mừng thấy cuộc tiến công chiến lược phát triển nhanh hơn dự kiến. Thượng tướng Song Hào, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị gọi tôi đến giao nhiệm vụ: “Cử đồng chí làm phái viên của Tổng cục Chính trị theo dõi mặt trận Huế - Đà Nẵng. Đồng chí lên đường ngay. Huy động lực lượng báo chí, văn nghệ trong và ngoài quân đội bám sát mặt trận. Giải phóng đến đâu phải có tin, bài, phim, ảnh đến đó. Các đoàn văn công quân đội sẵn sàng tiến vào vùng giải phóng”.

Tôi huy động các lực lượng báo chí, văn nghệ ra trận rồi lên đường ngay. Vinh dự được vào chiến trường vào thời điểm lịch sử, nét mặt các chiến sĩ tươi rói. Tôi gặp đồng chí Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn 2. Chúng tôi ôm nhau giữa Đà Nẵng giải phóng, trong lòng xiết bao vui sướng. Đồng chí Lê Linh hồ hởi kể chuyện: “Từ ngày 19-3, quân ta đã giải phóng thị xã và toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Quân khu Trị Thiên và Quân đoàn 2 được lệnh gấp rút đưa quân xuống đồng bằng, nhanh chóng cắt đứt đường số 1, không cho địch rút về co cụm ở Đà Nẵng. Quân ta khẩn trương đánh chặn, chia cắt đội hình địch, đánh tan Sư đoàn 1 ngụy, giải phóng hoàn toàn Trị Thiên Huế. Ta chiếm lĩnh đèo Hải Vân, bịt cửa Thuận An, không cho địch rút chạy. Pháo tầm xa của ta bắn phá sân bay Phú Bài. Hàng chục ngàn quân ngụy cùng với hàng trăm xe tăng, xe bọc thép bị ta tiêu diệt và bắt sống”.

Đồng chí Lê Linh nói tiếp: “Chiến dịch Huế - Đà Nẵng do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đôn đốc ráo riết. Thời gian là lực lượng. Chỉ trong một thời gian ngắn kỷ lục có 3 ngày mà ta đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 10 vạn quân địch, giải phóng tỉnh Quảng Đà, đặc biệt là căn cứ quân sự Đà Nẵng, căn cứ liên hợp lớn nhất và quan trọng nhất của địch ở miền Nam Việt Nam… Ngày 7-4-1975, tại Đà Nẵng mới giải phóng, chúng tôi nhận được bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh ấy như một lời hịch của non sông đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm nhân dân các dân tộc tại Điện Biên Phủ sau ngày chiến thắng năm 1954.

Tôi được cử làm phái viên của Tổng cục Chính trị theo sát cánh quân Duyên Hải. Cánh quân này mới thành lập, không nằm trong dự kiến từ trước, gồm lực lượng Quân đoàn 2 vừa giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 3 Sao Vàng thuộc Quân khu 5, các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh, có nhiệm vụ đánh địch trong hành tiến, khẩn trương hành quân để đến kịp thời gian cùng các đơn vị bạn tham gia giải phóng Sài Gòn. Đồng chí Lê Trọng Tấn là Tư lệnh, đồng chí Lê Quang Hòa là Bí thư Ban cán sự Đảng lâm thời.

Cuộc tiến quân thần tốc của cánh quân Duyên Hải với hơn 32.000 quân và 2.276 xe, pháo, tăng thiết giáp qua một chặng đường gần 1.000km, đánh địch trong hành tiến là một đòn chiến lược sáng tạo, kịp thời, đánh thông tuyến đường số 1 từ Bắc vào Nam đến tận cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, tăng thêm lực lượng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Đến Xuân Lộc, tôi được biết là từ ngày 9-4, Quân đoàn 4 do Tư lệnh Hoàng Cầm và Chính ủy Hoàng Thế Thiện chỉ huy đã mở cuộc tiến công vào “cánh cửa thép” trên tuyến phòng ngự phía Đông của địch ở Sài Gòn. Nơi đây địch bố trí một lực lượng khá mạnh gồm Sư đoàn 18 ngụy và một số đơn vị bảo an, cảnh sát, phòng ngự trong công sự kiên cố. Lê Minh Đảo, Sư đoàn trưởng ngụy tuyên bố: “tử thủ”. Trận đánh đã diễn ra phức tạp. Địch tăng viện thêm quân và dùng đến cả loại bom CBU có sức hủy diệt lớn. Anh Lê Trọng Tấn quyết định tăng cường cho Quân đoàn 4 thêm Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và pháo đạn đủ để tiến công dứt điểm Xuân Lộc. Ngày 20-4, địch rút chạy khỏi Xuân Lộc. “Cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn đã mở toang.

Anh Lê Quang Hòa về Bộ chỉ huy Chiến dịch Sài Gòn - Gia Định. Anh cho tôi biết: Bộ Chính trị đã thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch. Anh Văn Tiến Dũng là Tư lệnh, anh Phạm Hùng là Chính ủy. Các anh Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh, Đinh Đức Thiện là Phó Tư lệnh. Anh Lê Quang Hòa là Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị. Anh Lê Ngọc Hiền là Tham mưu trưởng. Bộ Chính trị đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nghe phổ biến điều này, chúng tôi vô cùng cảm động và rất vinh dự, tự hào được tham gia trận quyết chiến chiến lược cuối cùng mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tôi thầm nghĩ: như vậy là “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”.

Giờ phút quyết định

Tôi đi theo cánh quân hướng Đông do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy. Cánh quân này tiến công căn cứ Nước Trong, chi khu quân sự Long Thành và thị xã Bà Rịa. Ở Nước Trong địch chống cự, dùng máy bay bắn phá và phản kích suốt cả ngày, Sư đoàn 304 mở nhiều đợt tấn công nhưng chưa dứt điểm. Anh Lê Trọng Tấn đôn đốc việc đánh chiếm căn cứ Nước Trong và nhất là việc triển khai trận địa pháo tầm xa ở Nhơn Trạch để bắn vào căn cứ không quân Tân Sơn Nhất.

Tối 28-4, tôi nghe đài phương Tây đưa tin: “Hồi 16 giờ 40 chiều, 5 chiếc máy bay A37 do Mỹ chế tạo đã dội bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất”. Đó là phi đội Quyết thắng do phi công Nguyễn Thành Trung, người của ta hoạt động trong hàng ngũ địch, trước đó đã ném bom Dinh Tổng thống ngụy quyền và bay ra vùng giải phóng, nay huấn luyện các phi công ta sử dụng máy bay A37 của Mỹ ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc ném bom bất ngờ của Không quân Việt Nam đạt hiệu quả lớn về phá hủy máy bay và sân bay địch, nhưng hiệu quả tâm lý đối với quân ngụy còn lớn hơn nhiều.

Theo kế hoạch của Bộ Chỉ huy chiến dịch, 5 giờ 30 sáng 30-4, các hướng quân đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Riêng cánh quân phía Đông, đồng chí Lê Trọng Tấn đề nghị cho nổ súng sớm từ 18 giờ ngày 29-4. Lý do là cánh quân phía Đông phải vượt qua sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ súng sẽ đến không kịp. Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đồng ý để cánh quân phía Đông nổ súng sớm hơn kế hoạch. Như vậy trên thực tế, từ 18 giờ ngày 29-4-1975, trận tiến công Sài Gòn - Gia Định đã bắt đầu.

Sáng 30-4, binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 trong cánh quân phía Đông do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy vượt cầu xa lộ trên sông Đồng Nai, diệt ổ đề kháng của địch ở Thủ Đức, phía Bắc cầu Rạch Chiếc. Trận địa pháo tầm xa của ta đặt ở Nhơn Trạch đã bắn mấy trăm viên đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 vượt qua cầu Sài Gòn đến ngã tư thứ bảy thì rẽ trái đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Xe tăng 843 dẫn đầu đến cổng phụ của dinh thì dừng lại. Xe tăng 390 vượt lên húc đổ cổng chính của Dinh Độc Lập. Đại đội trưởng Đại đội 4 xe tăng Bùi Quang Thận cầm cờ Giải phóng lên cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập lúc 11 giờ 30 ngày 30-4. Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng cùng với Trung đoàn phó Trung đoàn bộ binh 66 Sư đoàn 304 Phạm Xuân Thệ đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài phát thanh. Chính ủy Bùi Văn Tùng thảo lời đầu hàng của Dương Văn Minh. Nhà báo người Đức Boris Gallasch cho mượn chiếc máy cassette thu lời đầu hàng của Dương Văn Minh và lời của Chính ủy Bùi Văn Tùng, đại diện Quân giải phóng chấp nhận sự đầu hàng phát trên làn sóng Đài Phát thanh Sài Gòn lúc 14 giờ ngày 30-4.

Cho đến nay, bao năm tháng đã trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên cảm xúc đã đến với tôi trong ngày lịch sử ấy khi tôi bước vào thềm Dinh Độc Lập. Vui mừng khôn xiết, bỗng dưng hai mắt lệ nhòa!

Du khách nước ngoài tham quan TPHCM đầu năm mới 2015. Ảnh: THÁI BẰNG

Trung tướng PHẠM HỒNG CƯ

Tin cùng chuyên mục