Giải quyết “bộ ba”: Lạm phát, tỷ giá và lãi suất

Kiên trì thực hiện các giải pháp
Giải quyết “bộ ba”: Lạm phát, tỷ giá và lãi suất

LTS: Với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, sau gần 3 tháng thực hiện, những mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đạt kết quả bước đầu. Tuy nhiên đến nay, mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn đang là vấn đề bức xúc của xã hội, PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS TRẦN DU LỊCH, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, xoay quanh chủ đề này.

Kiên trì thực hiện các giải pháp

- Phóng viên: Ông đánh giá tác động Nghị quyết 11 của Chính phủ sau gần 3 tháng thực hiện, diễn biến thị trường thế nào?

TS TRẦN DU LỊCH: Nghị quyết 11 ngày 24-2-2011 của Chính phủ ban hành “gói giải pháp” kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tuy hơi chậm so với yêu cầu của tình hình nhưng có thể xem là “liều thuốc mạnh” không chỉ mang tính chất tình thế mà còn có ý nghĩa, tạo điều kiện để thực hiện các chính sách kinh tế - tài chính hướng đến một nền kinh tế vĩ mô ổn định cho những năm sau. Trong 6 nhóm giải pháp, có thể nói 2 nhóm giải pháp về tiền tệ và tài khóa đóng vai trò quyết định đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Người dân mua hàng bình ổn giá tại một điểm bán hàng ở quận Tân Phú, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Người dân mua hàng bình ổn giá tại một điểm bán hàng ở quận Tân Phú, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Hai nhóm giải pháp trên nhằm giảm tổng cầu của nền kinh tế, nên sẽ tác động làm giảm lạm phát và dĩ nhiên cũng sẽ kéo giảm tốc độ tăng GDP. Trước mắt giải quyết “bộ ba”: Lạm phát - tỷ giá và lãi suất, nhưng cũng sẽ tác động làm giảm nhập siêu, giảm nợ công, tạo điều kiện để hướng đến mục tiêu xa hơn là giải quyết các cân đối vĩ mô như thu - chi ngân sách; cán cân vãng lai; tiết kiệm - đầu tư; tích lũy - tiêu dùng…

Tuy nhiên, do có độ trễ của chính sách nên chưa thể có tác dụng tức thời, nhưng thực tế thị trường cho thấy cách làm là đúng hướng và chắc chắn sẽ kéo giảm mức tăng CPI trong những tháng tới; trước mắt đã ổn định được tỷ giá VND, kéo tỷ giá VND/USD xuống mức dưới 21.000 đồng/USD, xóa được tình trạng “2 giá” tồn tại từ quý 4-2010.

Khi đã kéo giảm được CPI, giải quyết được tâm lý “lạm phát kỳ vọng” thì sẽ có điều kiện để giảm lãi suất. Thực tế tình hình đòi hỏi trong năm 2011 phải giải quyết cho được “bộ ba”: Lạm phát, tỷ giá và lãi suất. Do đó, cần phải kiên trì thực hiện những giải pháp đã đề ra; không để lạm phát như “con ngựa bất kham”.

- Đồng ý rằng có độ trễ của chính sách, nên trong hai tháng 3 và 4 vừa qua, chỉ số CPI không những không giảm mà còn tăng rất cao, nhưng nếu không xác định rõ nguyên nhân lạm phát thì liệu các giải pháp hiện nay có căn cơ không?

Lạm phát có nhiều nguyên nhân, nhưng luôn luôn thể hiện sự mất cân đối hàng - tiền trong nền kinh tế vĩ mô. Nhưng để chống lạm phát không chỉ đơn giản là giảm lượng tiền, mà phải xem xét từ gốc vấn đề, nếu không chúng ta chỉ can thiệp để “hạ nhiệt” mà không trị được căn nguyên của bệnh. Ngoài nguyên nhân sâu xa về cơ cấu kinh tế, tôi muốn đề cập nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối hàng - tiền.

Từ năm 2007 đến năm 2010, bình quân mỗi năm để tăng GDP 1 đồng thì dư nợ tín dụng đến gần 5 đồng, cá biệt năm 2009 cần đến 7 đồng; trong khi đó bình quân của giai đoạn 2001 - 2005 chỉ cần khoảng hơn 3 đồng. Những con số trên lý giải tại sao dư nợ tín dụng vẫn tăng cao đạt đến mức 1,2 lần GDP (thông thường các nước trong khu vực chỉ bằng 0,5 - 0,6 GDP) nhưng nền kinh tế vẫn thiếu vốn.

- Ông có thể giải thích rõ hiện tượng trên?

Tôi có 3 nhận xét về nguyên nhân của tình hình trên sau đây: (1) bong bóng của thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường bất động sản từ cuối năm 2006 đến cuối năm 2007 đã tạo đột biến thị trường tín dụng, nó đã hình thành lượng tài sản ảo so với nền kinh tế thực (sự chênh lệch giữa tài sản tài chính với tài sản thực) mà lạm phát trong 2 năm 2007 - 2008 đã san bằng một phần khoản chênh lệch đó bằng một mặt bằng giá mới. Sự tăng tín dụng các năm đó không tạo ra sự tăng tài sản thực đáng kể của nền kinh tế mà chỉ biểu hiện ở GDP danh nghĩa; (2) trong 3 năm qua 2008 - 2010, TTCK chủ yếu hoạt động ở thị trường thứ cấp, mọi nguồn vốn hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp đều dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại. Chính trong giai đoạn này là thời kỳ mất cân đối cung - cầu “dịch vụ tín dụng ngân hàng”, nên cũng là giai đoạn tạo ra “mảnh đất màu mỡ “cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ ra đời hoạt động, đua tranh làm bùng nổ tín dụng và nghiêm trọng hơn là chạy đua lãi suất, gây nhiễu thị trường tín dụng; làm cho chính sách tiền tệ mất phương hướng, phải liên tục đối phó ngắn hạn, nguy cơ bất ổn tăng cao; (3) tình trạng bội chi ngân sách triền miên ngày càng lớn như “chiếc thùng không đáy”; đầu tư công thiếu đồng bộ và không tuân thủ nguyên tắc chi phí cơ hội đã góp phần tăng nhanh hệ số ICOR. Một khối lượng tiền khá lớn đưa vào khu vực này, nhưng do tiến độ đầu tư kéo dài, thiếu đồng bộ nên không tạo ra khối lượng tài sản tương ứng làm mất cân đối hàng - tiền.

Chưa có áp lực lớn trước mắt

- Trong 3 nguyên nhân trên ông có nhấn mạnh vấn đề đầu tư công, nhưng có lần ở diễn đàn Quốc hội ông ủng hộ việc bội chi ngân sách để đầu tư mà?

Vâng, đến nay tôi vẫn ủng hộ, nhưng phải có điều kiện. Trong nhiều năm nữa, nước ta còn phải thực hiện chính sách chủ động bội chi ngân sách bằng con đường vay nợ để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa đất nước. Đó là chính sách tài chính công tích cực trong điều kiện tích lũy của nền kinh tế còn thấp, tiết kiệm nội địa chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển bền vững. Nhưng chính sách này phải kèm theo các điều kiện rất nghiêm ngặt như: phải có chiến lược nợ Chính phủ và nợ quốc gia rõ ràng; những điều kiện bảo đảm hiệu quả trong đầu tư; khả năng trả nợ hàng năm, cả về VND lẫn ngoại tệ…

Tuy nhiên, thực tế trong các năm qua, việc bội chi ngân sách nhà nước chưa thật sự tuân thủ các điều kiện nêu trên và nhiều điều kiện khác nữa nên chính sách “tài chính công tích cực” đã trở thành nhân tố tiêu cực, có nguy cơ gây bất ổn cho nền tài chính quốc gia. Tình trạng các ngành và địa phương đưa ra quá nhiều dự án, trong khi đó nguồn vốn rất hạn chế, nên nơi nào, ngành nào “chạy” thủ tục sớm thì được chấp thuận và giải ngân sớm, nơi nào chậm thì để lại. Cách làm này dẫn đến hệ quả là phá vỡ tính ưu tiên và tính đồng bộ của đầu tư, tình trạng “vốn nằm” khắp nơi; ngân sách phải trả lãi, nhưng dự án thì phơi sương phơi gió. Với cách phân bổ vốn đầu tư như hiện nay, dường như chúng ta lâm vào tình trạng “phóng lao phải theo lao” dẫn đến tình trạng bội chi ngân sách không có điểm dừng.

- Thưa ông, dư luận đang lo lắng về sự mất an toàn nền tài chính quốc gia khi nợ Chính phủ đang tiếp cận với mức 60% GDP, vậy đâu là “ngưỡng an toàn”?

Cơ cấu nợ công (theo khái niệm nợ công đã được định nghĩa trong Luật Quản lý nợ công) của nước ta hiện nay, chủ yếu là nợ dài hạn, nên chưa có áp lực lớn về khả năng trả nợ trước mắt. Ví dụ năm 2011 bố trí 85.000 tỷ đồng để trả nợ so với 590.000 tỷ đồng thu ngân sách (tỷ lệ gần 15%) thì vẫn an toàn. Tuy nhiên, nếu phần thu còn lại sau khi trả nợ và chi thường xuyên ngày càng giảm tiếp cận đến 0 thì việc vay nợ đã đến ngưỡng mất an toàn. Nếu không có dự báo xa ở tầm quốc gia cũng như doanh nghiệp nhà nước, mà đến khi thấy sự mất an toàn xuất hiện thì không còn khả năng chống đỡ và lâm vào tình trạng “vỡ nợ”.

- Xin cảm ơn ông!

Mai Thảo thực hiện

Tin cùng chuyên mục