Giải quyết các điểm nghẽn trong đầu tư công ở Bình Dương

Bình Dương là 1 trong 13 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp kỷ lục trong 7 tháng đầu năm 2017, bị Thủ tướng Chính phủ phê bình và đang phải tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Trong 68 dự án (DA) do Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương quản lý (đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu thầu, điều chỉnh kế hoạch với tổng số vốn bố trí là hơn 2.300 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đến tháng 8 mới đạt 797 tỷ đồng (11,1% kế hoạch năm), mức thấp kỷ lục so với cùng kỳ các năm gần đây (chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ 2016). Các DA này chưa có khả năng giải ngân do còn vướng mắc nhiều thủ tục, nhất là việc giải phóng mặt bằng giao cho nhà thầu thi công. Không chỉ ở Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương, tỷ lệ giải ngân thấp cũng xuất hiện ở các DA được lấy kinh phí từ nguồn vốn sổ xố kiến thiết do cấp huyện làm chủ đầu tư như huyện Bắc Tân Uyên chỉ là 0,9%, thị xã Thuận An là 1,2%, TP Thủ Dầu Một là 3,4%... 

Đặc biệt, với các DA cấp huyện quản lý, nguồn vốn được ngân sách tỉnh hỗ trợ, tỷ lệ giải ngân cũng đạt rất thấp, cá biệt như thị xã Bến Cát và huyện Dầu Tiếng, đến nay vẫn chưa có một đồng nào được giải ngân. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương, tính đến tháng 8-2017, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh là gần 797 tỷ đồng, chỉ đạt khoảng 11,1% kế hoạch năm, là mức thấp kỷ lục so với cùng kỳ các năm gần đây (chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ 2016). 

Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho biết, nguyên nhân là do một số địa phương, Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương và chủ đầu tư chưa chủ động và khẩn trương trong triển khai thực hiện dự án, nghiệm thu khối lượng và giải ngân theo kế hoạch được giao từ đầu năm. Bên cạnh đó, các đơn vị chưa phối hợp tốt để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… làm chậm công việc chung của toàn tỉnh. Ngoài ra,  còn do các thủ tục, quy định: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai còn rườm rà, chồng chéo, mất nhiều thời gian, dẫn đến việc thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn. 

Để tháo gỡ ngay những khó khăn vướng mắc, đồng thời đốc thúc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ công việc, UBND tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố giải quyết ngay các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiệm thu và thanh toán theo kế hoạch, không được dồn nghiệm thu và giải ngân vào thời điểm cuối năm. 

Dự kiến, sau khi đấu thầu, UBND tỉnh sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu và tạm ứng hợp đồng 10%- 50% giá gói thầu vào cuối năm 2017 để triển khai khẩn trương, tránh kéo dài làm đội vốn và phát sinh thủ tục. Các đơn vị trên cũng phải thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng khối lượng thực hiện thực tế tại công trình, tình hình giải ngân và những khó khăn cần giải quyết để lãnh đạo tỉnh có ý kiến với mục đích thực hiện tốt quy định của Luật Đầu tư công về nợ đọng xây dựng cơ bản và bố trí vốn kịp thời.

Tin cùng chuyên mục