Giải quyết nhanh những vấn đề bức xúc của người lao động

(SGGP).- Ngày 5-1, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X. Đến dự có các đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết năm 2010, tình hình lao động việc làm có nhiều diễn biến tích cực. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh khiến nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu sản xuất, sắp xếp lại lao động dẫn đến công nhân (CN) bị mất việc làm. Riêng TPHCM trong năm 2010 có trên 34,6 ngàn lao động mất việc phải đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tiền lương của người lao động (NLĐ) được tăng lên theo quy định của nhà nước nhưng chỉ đáp ứng được nhu cầu mức sống tối thiểu. Vẫn còn sự chênh lệch về tiền lương và khác biệt rất lớn về tiền thưởng của NLĐ tại các loại hình doanh nghiệp. Cả nước có thêm 27 ngàn chỗ ở cho CN nhưng phần lớn các dự án đều phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, tiến độ chậm, đầu tư nhỏ giọt và chưa thu hút được nguồn lực từ các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tình trạng DN nợ đọng BHXH, BHYT vẫn còn nhiều.

Tính đến tháng 10-2010 các DN cả nước còn nợ 5.400 tỷ đồng tiền BHXH. Ngoài ra, việc tham gia xây dựng chính sách, chế độ cho NLĐ còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Tỷ lệ DN có thỏa ước lao động tập thể còn thấp, chất lượng thỏa ước lao động tập thể không cao, chủ yếu là sao chép luật…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang cho rằng, bên cạnh những mặt làm được, ở một số nơi, vai trò đại diện cho quyền và lợi ích NLĐ của công đoàn cơ sở còn mờ nhạt, nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn còn hạn chế. Thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn cần chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị để giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp CN, trước mắt là chính sách về nhà ở cho CNLĐ, chính sách đảm bảo việc làm, tiền lương, thu nhập, BHXH, BHYT, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo, các thiết văn hóa; có bước tiến về đào tạo trình độ văn hóa, chuyên môn, tay nghề; Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Trước mắt, cần tập trung chăm lo tết cho CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ nghèo.

Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Thời gian sắp tới là giai đoạn đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Áp lực cạnh tranh, sức ép lên các DN sẽ càng cao, tình hình sản xuất, năng suất lao động, thu nhập của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng và có nhiều thay đổi. Trong bối cảnh đó, tổ chức công đoàn phải có bước chuẩn bị để luôn là chỗ dựa vững chắc để tạo tâm lý ổn định cho NLĐ, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.

MAI HƯƠNG  

Tin cùng chuyên mục