Giải quyết thừa kế phải có thời hiệu

Kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sáng 12-5.

(SGGPO).- Kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sáng 12-5.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua thời gian xin ý kiến, đã có 97 báo cáo của các tổ chức và khoảng 7,5 triệu lượt ý kiến của nhân dân góp ý cho dự thảo bộ luật về mọi lĩnh vực. Tập hợp các ý kiến, Ủy ban Pháp luật gom lại 10 nhóm vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau cần xin ý kiến UBTVQH.

Trong đó, quy định về tên gọi của người có quốc tịch Việt Nam, thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự, trần lãi suất làm cơ sở xử lý tội cho vay nặng lãi, chủ thể hộ gia đình… là những vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, việc có quy định về tên gọi của người mang quốc tịch Việt Nam là cần thiết, tránh những cái tên quá dài gây khó khăn cho quá trình giao dịch của chính bản thân người mang tên họ đó. Ông Phùng Quốc Hiển ủng hộ việc nâng trần lãi suất làm cơ sở xử lý tội cho vay nặng lãi lên 200% so với lãi suất cơ bản (thay vì 150% như hiện hành), nhưng cũng cho rằng cần cụ thể hóa cách tính “lãi suất cơ bản” này. Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu. Từng giữ cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Giàu cho biết, từ năm 2009 đến nay NHNN không thực hiện việc công bố lãi suất cơ bản. “Cần phải quy định rõ chỗ này, có thể lấy bình quân lãi suất của 3 nhóm ngân hàng làm cơ sở”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề xuất.

“Vẫn phải quy định một mức lãi suất để có cơ sở xử lý chứ nếu nói các bên giao dịch tự do định đoạt thì đến lúc tranh chấp Tòa biết xử thế nào” – Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Tống Anh Hào phát biểu. Ông Hào cũng đề cập đến nhiều trở ngại trong quá trình xét xử các vụ việc dân sự của Tòa án, trong đó có Điều 14 về bảo vệ quyền dân sự. Theo đó Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật làm căn cứ. “Chúng tôi cũng nhất trí nội dung này để bảo đảm quyền của người dân đã được Hiến pháp định. Nhưng chỉ nên quy định Tòa không được từ chối giải quyết tranh chấp dân sự mà thôi. Chứ việc dân sự nói chung thì không khả thi”- ông Tống Anh Hào nói.

Đại diện Tòa án Nhân dân tối cao cũng phân tích về hộ gia đình với tư cách một chủ thể trong quan hệ dân sự. Ông cho rằng hộ gia đình nên được coi là một pháp nhân, nhưng cần nói rõ vai trò của chủ hộ gia đình là có thể thay mặt hộ gia đình để thực hiện các việc của hộ, các thành viên khác chỉ thực hiện vai trò này khi được ủy quyền.

Về tuyên bố hợp đồng vô hiệu (Điều 130 dự thảo), vị Phó Chánh án đề nghị: “Phần nào đã thực hiện thì Tòa công nhận, còn chưa thì coi như vô hiệu”.

Cũng theo ông Tống Anh Hào, bảo vệ người ngay tình là nguyên tắc rất cần thiết nhưng trên thực tế nếu quá chú trọng bảo vệ người ngay tình thì có trường hợp kê khai, đăng ký sai được cấp giấy chứng nhận sở hữu/ sử dụng (không hề hiếm trên thực tế). Nếu cứ dựa vào giấy tờ không chính xác này thì lại thiệt thòi cho người sở hữu thực tế. “Đất của ông A mà ông B được cấp sở hữu, rồi ông B bán cho ông C, giờ quyết xử cho ông C thì rất thiệt cho ông A”, ông Hào lý giải.

Tương tự, trên quan điểm tôn trọng ý chí, quyền định đoạt của các đương sự, Phó Chánh án Tống Anh Hào đề nghị: “Tòa chỉ can thiệp vào việc giao kết hộ đồng khi được yêu cầu xác định hợp đồng đó hợp pháp hay không; tức là khi có tranh chấp thì mới xử, chứ trao cho Tòa quyền sửa cả hợp đồng thì sửa theo ý chí của ai?!".

Liên quan đến thời hiệu, ông Hào đề nghị “Trừ trường hợp những người được nhận thừa kế có thỏa thuận khác với nhau; còn dứt khoát phải quy định thời hạn thực hiện chứ không thể bỏ ngỏ được, nếu không sẽ rất rối. Tại sao chúng ta quy định thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ mà lại không quy định thời hiệu chia thừa kế?". 

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục