Giải quyết vấn đề bội chi ngân sách địa phương

Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã bế mạc cuối buổi sáng 17-4, sau hai ngày rưỡi thảo luận về 4 dự án luật sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Đó là các dự án: Luật Ban hành văn bản pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã bế mạc cuối buổi sáng 17-4, sau hai ngày rưỡi thảo luận về 4 dự án luật sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Đó là các dự án: Luật Ban hành văn bản pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Không để “cha chung không ai khóc”

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo; các đại biểu tiếp tục suy nghĩ để tiếp tục thảo luận nhằm nâng cao chất lượng các dự án luật để công tác quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các quy định phải làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn đi liền trách nhiệm. Riêng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ tịch Quốc hội cho rằng chưa cụ thể hóa vấn đề trách nhiệm gắn với chức năng, nhiệm vụ… Tuy các phương án về mô hình được trình ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội đều phù hợp với Hiến pháp, nhưng cần cân nhắc thêm để lựa chọn mô hình thích hợp hơn; đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, UBND; tạo ra được hệ thống chính quyền thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở: “Ngoài 4 dự án luật trên thì các luật khác cũng phải làm rất kỹ để tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, trách nhiệm không rõ ràng”.

Rạch ròi ngân sách trung ương - địa phương

Trước khi bế mạc, hội nghị ĐBQH chuyên trách đã tiến hành thảo luận về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi. Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về vấn đề phân cấp quản lý ngân sách trung ương và địa phương, bội chi ngân sách địa phương và mức dư nợ vay của chính quyền địa phương, thưởng vượt thu ngân sách…

Nhận xét rằng thể chế kinh tế cùng với thể chế tài chính công và hành chính công là 3 bộ phận quan trọng “đẩy” cỗ xe phát triển đi về phía trước, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng vừa qua, Quốc hội khóa XIII đã làm rất tốt phần đổi mới về thể chế kinh tế, song hai phần còn lại vẫn còn nhiều trăn trở. “Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi lần này vẫn cơ bản như cũ, thực hiện cơ chế ngân sách lồng ghép trung ương - địa phương; không có sự rành mạch cần thiết nên sẽ không hạn chế được cơ chế xin - cho”, ông Trần Du Lịch thẳng thắn.

Về bội chi, vẫn theo ĐB Trần Du Lịch, thực chất 53 địa phương nhận trợ cấp của trung ương hiện nay đang bội chi. Chính vì thế, muốn kiểm soát bội chi một cách thực chất thì phải quán triệt nguyên tắc là địa phương có quyền phát hành trái phiếu để vay tiền, nhưng phải được bảo đảm chi trả bằng ngân sách tự chủ của địa phương. “Nếu anh không trả được nợ thì năm sau anh phải chi tiết kiệm lại, trung ương không hỗ trợ ngược để bù phần đó, đơn giản như vậy, không cần quy định bao nhiêu phần trăm”, ông Trần Du Lịch nói.

Đảm bảo thực quyền quyết định ngân sách của Quốc hội và rạch ròi phân cấp ngân sách trung ương - địa phương cũng là quan điểm của ĐB Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. “Muốn đổi mới căn cơ, toàn diện thì phải làm luật ngân sách thường niên và có thể điều chỉnh Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (cũng đang được sửa đổi) để có quy trình riêng làm luật này”, ông Thụ kiến nghị. Về bội chi ngân sách, ông Thụ phân tích: “Lần này dự thảo luật đã đưa ra cách tính toán bội chi sát thực hơn, bội chi ngân sách nhà nước đã thực hiện theo thông lệ quốc tế, không tính trả nợ gốc vào và tính thêm phần chi trái phiếu Chính phủ vào trong bội chi; nhưng vẫn thiếu một khoản quan trọng là phần vay về cho vay lại”.

Từ góc độ đại diện chính quyền địa phương, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) kiến nghị xem xét để lại cho địa phương một phần nguồn thu thuế tài nguyên, thu từ thăm dò khai thác dầu khí (đây là những khoản thu phải nộp 100% về ngân sách trung ương). Ủng hộ cao mục tiêu tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách, nhưng ĐB Lâm cho rằng quy định không được chi tiền ra khỏi kho bạc nếu không có dự toán đã được phê duyệt như trong dự thảo là quá “cứng”, gây khó khăn cho địa phương trong một số trường hợp nhất định. ĐB Lê Đắc Lâm giải thích: “Thực tiễn điều hành ở địa phương có những khoản chi phát sinh chưa có trong dự toán như vốn đối ứng cho các dự án ODA; chi phí đền bù giải tỏa cho công trình xây dựng cơ bản... nếu nhất nhất không cho chi, mà mức ứng trước của năm sau cũng đã bị giới hạn; như thế thì rất vướng”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục