Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII năm 2013: Cải tiến để vượt khó

Có một khoảng thời gian trước đây, do một số biến cố, Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết phải tạm ngưng hoạt động. Khi công ty hồi sinh lại đối mặt với hàng loạt khó khăn: nhà xưởng dột nát, máy móc thiết bị hầu hết bị hư hỏng và xuống cấp, thị trường phân phối hàng hóa hầu hết bị chiếm lĩnh... Bảo trì và cải tiến máy móc để từng bước đưa công ty vượt qua khó khăn là mong muốn của nhiều kỹ sư trong công ty, trong đó có anh Nguyễn Tấn Thành, 37 tuổi, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật - công nghệ.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII năm 2013: Cải tiến để vượt khó

Có một khoảng thời gian trước đây, do một số biến cố, Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết phải tạm ngưng hoạt động. Khi công ty hồi sinh lại đối mặt với hàng loạt khó khăn: nhà xưởng dột nát, máy móc thiết bị hầu hết bị hư hỏng và xuống cấp, thị trường phân phối hàng hóa hầu hết bị chiếm lĩnh... Bảo trì và cải tiến máy móc để từng bước đưa công ty vượt qua khó khăn là mong muốn của nhiều kỹ sư trong công ty, trong đó có anh Nguyễn Tấn Thành, 37 tuổi, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật - công nghệ.

Vào thời điểm trước năm 2012, để làm ra sản phẩm gạc bông, công nhân Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết phải cắt bông bằng phương pháp thủ công, rất mất thời gian và công sức. Nhiều lần đứng nhìn máy băng vệ sinh Đài Loan có sẵn ở công ty đang “trùm mền” vì máy hư, cũ, không còn sản xuất được, anh Thành nảy ra ý định thử cải tiến máy xem có thể sử dụng cho sản xuất sản phẩm gạc bông hay không.

Anh Nguyễn Tấn Thành vận hành máy cắt gạc bông - một trong những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của mình.

Anh Nguyễn Tấn Thành vận hành máy cắt gạc bông - một trong những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của mình.

Giữa năm 2012, được sự đồng ý và chỉ đạo của ban giám đốc công ty, anh bắt tay nghiên cứu, lập sơ đồ nguyên lý hoạt động máy cắt gạc bông dựa trên hiện trạng máy băng vệ sinh Đài Loan và nhiều bước liên quan khác. Miệt mài nghiên cứu gần hai tháng, qua nhiều lần chạy thử để tìm những điểm cần chỉnh sửa, chiếc máy hoàn toàn thay đổi được công năng. Giờ phút ấy, cảm giác lâng lâng bay bổng trong anh Thành. Dù đã có 3 công trình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trước đó nhưng đây là sáng kiến anh tâm đắc nhất. Chiếc máy này vừa giúp công ty không phải tốn chi phí mua máy mới, vừa dễ thao tác - chỉ cần một công nhân đứng máy là có thể vận hành. Chưa kể máy có thể sản xuất gạc bông với kích thước đa dạng về chiều rộng và chiều dài, đồng thời giúp đạt năng suất tăng hơn ba lần so với làm bằng phương pháp thủ công, giúp công nhân đỡ vất vả vì giảm được cường độ lao động.

Một trong những nghiên cứu thành công khác của anh Thành là cải tiến máy bông vệ sinh tai ChinFu. Đây là chiếc máy chuyên sản xuất bông vệ sinh tai dành cho người lớn, nhưng từ khi nhập từ nước ngoài về thì máy không hoạt động được. Đúng lúc này, đứng trước tình hình sản phẩm bị thu hẹp thị phần, lãnh đạo công ty đặt ra yêu cầu cần đa dạng hóa sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường và tăng doanh thu. Ý tưởng mới chợt bật ra trong đầu anh Thành. “Nếu thay đổi vành cao su se bông và bộ máng vê định dạng hai đầu bông, rồi chỉnh sửa mâm cấp que nhựa máy bông vệ sinh tai ChinFu thì có thể làm ra loại bông vệ sinh tai dành cho em bé không?”, câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu anh. Mất khoảng hai tháng nghiên cứu điều chỉnh các bộ phận trong máy, tâm huyết của anh được đền bù xứng đáng khi chiếc máy tưởng đã vô dụng lại được “thay da đổi thịt”, hoạt động ổn định, sản xuất được bông vệ sinh tai Baby đạt yêu cầu. Đây cũng chính là loại sản phẩm mới của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận.

Những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của anh kỹ sư trẻ Nguyễn Tấn Thành đã làm lợi hàng năm cho công ty khoảng 1,34 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí không mua máy mới cho công ty khoảng 230 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn phụ trách công tác huấn luyện, đào tạo, hướng dẫn anh chị em công nhân vận hành máy; từ năm 2010 đến năm 2012 đào tạo thi nâng bậc lương cho 25 công nhân, trong đó có 8 công nhân đạt loại giỏi.

Ông Ngô Xuân Hương, Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết, nhận xét: “Anh Thành là một trong những nhân tố giúp công ty trụ vững bằng những cải tiến kỹ thuật đem lại hiệu quả cao, giúp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm. Với tinh thần chịu khó nghiên cứu, mỗi năm anh Thành đều có sáng kiến làm lợi cho công ty”. Dẫu vậy, anh Thành xem đó là trách nhiệm phải làm khi khiêm tốn bộc bạch: “Những gì tôi làm chỉ là vì công ty, không nghĩ mình sẽ được khen thưởng. Tôi hạnh phúc khi được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng, nhưng tôi không dừng lại mà sẽ tiếp tục phấn đấu để góp phần cùng công ty vượt qua khó khăn”.

ÁI CHÂN

- Thông tin liên quan:

>> Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIII năm 2013: Giữ mãi lửa đam mê

>> Chữa bệnh cho tôm cá

Tin cùng chuyên mục