Chỉ riêng 2 giải pháp thay thế một phần đá lớn bằng đá nhỏ và sử dụng cát nghiền từ đá thay cho cát tự nhiên, anh Trần Ngọc Thương đã giúp Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương (quận 10, TPHCM) làm lợi gần 1 tỷ đồng mỗi tháng.
Nguồn vật liệu thô (đá, cát) cho sản xuất bê tông không phải lúc nào cũng dồi dào, liên tục. Chỉ riêng 3 nhà máy của công ty ở Đồng Nai, Vĩnh Long, Bình Phước mỗi tháng sản xuất 10.000m³ bê tông đã cần rất nhiều vật liệu. Trong đó, loại đá lớn mà công ty sử dụng thường bị gián đoạn nguồn cung. “Liệu có thể dùng loại đá có kích cỡ nhỏ hơn? Và tỷ lệ phối như thế nào để tạo nên hỗn hợp chất liệu tốt?”, anh Trần Ngọc Thương (33 tuổi, quê Đồng Nai), tự đặt ra câu hỏi cho mình.
Anh Trần Ngọc Thương (bìa phải) hướng dẫn công nhân chuẩn bị trước khi sản xuất bê tông.
Tháng 5-2014, anh Thương bắt đầu phân tích, chọn lọc tỷ lệ để có thành phần tối ưu. Từ tháng 11-2014, kết quả nghiên cứu và áp dụng trong sản xuất đã cho ra sản phẩm bê tông đặc chắc hơn, tăng khả năng chịu tải, chống thấm của sản phẩm. Sáng kiến này không những giúp công ty mỗi tháng tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng nhờ việc mua đá nhỏ có giá thành rẻ hơn, mà điều quan trọng còn giúp giải quyết bài toán về nguồn vật liệu đá lớn. Trong năm 2014, anh Thương cũng nghiên cứu thay thế một phần cát nghiền từ đá cho cát tự nhiên dùng trong sản xuất bê tông, mang lại lợi ích tương tự.
Nhiều người lao động ở công ty cho biết, anh Thương có cách quản lý rất “mở”, luôn gần gũi. Mỗi khi có ý tưởng gì, anh không ngần ngại trao đổi với đồng nghiệp, khơi gợi mọi người tìm tòi, suy nghĩ. Bởi anh tâm niệm không chỉ riêng mình nghiên cứu, tìm tòi mà cần tạo ra môi trường sáng tạo, không khí làm việc thoải mái chung cho anh em kỹ sư, công nhân, người lao động phát huy năng lực. Mọi ý tưởng mới, suy nghĩ mới của người lao động đều được anh trân trọng, kích thích sáng tạo. 11 năm công tác, anh Trần Ngọc Thương, từ nhân viên Phòng Quản lý chất lượng sản phẩm, giờ là Phó Giám đốc Nhà máy Bê tông Hùng Vương (Công ty TNHH Xây dựng công trình Hùng Vương), đã đào tạo, huấn luyện nâng cao tay nghề gần 80 lượt công nhân, trong đó có 5 người trở thành thợ giỏi.
Những học trò của anh kể, trong các bài giảng, ngoài các yêu cầu kỹ thuật, anh Thương luôn truyền bài học về cái tâm trong nghề. Theo anh Thương, sản phẩm bê tông đòi hỏi có tuổi thọ rất lâu, tới 50, 100 năm. Trong khi công trình thì thường bảo hành có vài năm. Vì thế, khi làm ra sản phẩm, đòi hỏi người kỹ sư, công nhân lao động cần giữ lương tâm nghề nghiệp. Nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, bỏ mặc chất lượng thì có khi sẽ phải trả giá rất đắt. Sáng tạo cốt làm ra sản phẩm tốt hơn, tiết kiệm và làm lợi chính đáng chứ không phải chế ra một tỷ lệ pha trộn không tưởng để lấy lợi nhuận bằng mọi cách.
MẠNH HÒA