Giải thưởng và sự minh bạch

Chỉ còn non 1 tuần nữa là đến thời điểm 2-9 công bố các danh hiệu nghệ sĩ và giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều tranh luận gay gắt trong việc xét duyệt, rồi đến hiện tượng xin rút tên khỏi danh sách đề cử… Xưa nay, những danh hiệu, giải thưởng này được xem là danh giá, rất cao quý mà hễ là người trong nghề đều mơ ước. Đây không chỉ là niềm tự hào, khích lệ tinh thần mà còn để khẳng định tài năng, đạo đức, công sức, nhiệt huyết và nhất là sự ngưỡng mộ của công chúng đối với văn nghệ sĩ.

Trong Thông tư quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật của Bộ VH-TT-DL đã quy định tác giả “phải có hồ sơ đăng ký tác phẩm đề nghị xét giải thưởng” và nói rõ quy trình xét tặng thực hiện qua 3 cấp: Hội đồng cấp cơ sở, hội đồng cấp bộ, ngành, tỉnh và hội đồng cấp nhà nước. Thông tư còn quy định đơn thư khiếu nại (nếu có) gửi chủ tịch hội đồng nơi tổ chức, cá nhân thấy vi phạm…

Vấn đề phát sinh những vụ việc lùm xùm trong thời gian qua có thể thấy được nguyên nhân là do một số hội đồng cơ sở có lẽ chưa quán triệt đầy đủ các quy định chung đến mọi cá nhân, tổ chức trong diện được xét tặng, khi phát sinh thắc mắc lại chưa kịp thời giải thích rõ ràng, chính xác dẫn đến khiếu kiện vượt cấp hoặc đưa ra bình phẩm trước dư luận. Về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cũng theo quy trình, thủ tục và hồ sơ nhưng đối với nghệ sĩ có tài năng đặc biệt xuất sắc, đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi hoặc có thành tích nghệ thuật đặc biệt xuất sắc được đặc cách xét phong tặng NSND, NSƯT. Như vậy, tất cả đều có quy định chi tiết, rõ ràng và nếu ngay tại các cơ sở áp dụng chuẩn xác vào thực tiễn thì không có chuyện hời hợt qua loa, sơ sót, hiểu lầm hoặc xuất hiện dấu hiệu thiếu công tâm.

Cần nhắc lại việc có những nhà thơ, nhạc sĩ, nhà văn đáng kính trọng xin rút khỏi giải thưởng vì các lý do: tự nhận thấy chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, không muốn để người khác bình xét về mình dễ làm tổn thương, cảm thấy đông đảo công chúng ghi nhận đã là đủ, nhưng cũng có trường hợp khiếu kiện vì cho rằng thiếu minh bạch, chưa công bằng, có dấu hiệu phe cánh… Văn nghệ sĩ vốn là những người nhạy cảm, thường tham gia đấu tranh cho lẽ phải ở đời, dễ bức xúc trước những hiện tượng thiếu minh bạch, không nhân ái, nghĩa tình. Chính vì thế việc các hội nghề nghiệp, đơn vị công tác tạo dấu ấn đẹp ngay tại nơi sinh hoạt của văn nghệ sĩ là hết sức cần thiết để việc xét chọn diễn ra thật trong sáng, khách quan và tôn trọng lẫn nhau. Dựa vào quy chế với tinh thần hữu ái sẽ tránh được những thiếu sót hoặc hiểu lầm không đáng có.

Khi các quy định của pháp luật còn hiệu lực thì mọi cá nhân, tổ chức phải chấp hành và trong quá trình thực thi có điều gì bất cập cũng có thể góp ý, đề xuất điều chỉnh vào thời điểm thích hợp, chứ không thể và không nên làm khác quy định hiện hành sẽ dẫn đến những tiền lệ có thể gây hiệu ứng khó xử về sau.

Xét cho cùng, những danh hiệu, giải thưởng chỉ có tầm vóc và giá trị đích thực nếu thực sự được công chúng đồng tình, ngưỡng mộ.

XUÂN THÁI

Tin cùng chuyên mục