L.T.S: Đã trở thành truyền thống qua 17 năm, đến dịp 20-11 hàng năm, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM tổ chức bình chọn và trao giải Võ Trường Toản cho các thầy cô giáo của thành phố. 30 thầy cô xuất sắc nhất sẽ được vinh danh trong lễ trao giải năm nay diễn ra vào đêm 18-11.
Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ lần lượt giới thiệu 30 thầy cô xuất sắc nhất trong hàng ngàn thầy cô giáo đáng trân trọng của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Xin mời bạn đọc theo dõi.
Cô Trần Thị Sen, giáo viên Trường Mầm non 19/5: Món quà đẹp chia tay nghề giáo
Cô là giáo viên lớn tuổi nhất trong số 30 người được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm nay. Ở tuổi 55, sức khỏe và sự dẻo dai không còn như thời trẻ nhưng nói đến nhóm trẻ 18-36 tháng tuổi, ai cũng nhắc đến cô. “Chưa đầy 2 tháng nữa tôi sẽ về hưu, xa rời công việc đã gắn bó suốt gần 30 năm qua. Không ngờ vinh dự này lại đến vào những tháng cuối của quãng đời đi dạy. 20-11 năm nay chắc chắn sẽ là kỷ niệm ngày nhà giáo đẹp nhất mà tôi không thể nào quên”, cô vui mừng chia sẻ.
Cô Trần Thị Sen
29 năm làm “mẹ” của hàng trăm đứa trẻ, cô cho biết phần thưởng lớn nhất không phải là những kỷ niệm chương, bằng khen hay danh hiệu mà là sự tin tưởng, tín nhiệm của phụ huynh. Đã có nhiều trường hợp học sinh lên các lớp mầm, chồi, lá nhưng phụ huynh vẫn tin tưởng, có gì thắc mắc cũng gọi điện hỏi cô.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi, cô cho biết bản thân người giáo viên phải nhanh tay nhanh mắt, quan sát em này xem đã uống hết sữa chưa đến nhắc em kia đừng trèo cao sẽ ngã. Có lúc chưa kịp lau tay cho bạn này vì nghịch bẩn đã có bạn khác chạy đến níu áo cô giáo mếu máo vì bị giành mất đồ chơi.
Nhiều học sinh chưa biết nói, cô phải quan sát điệu bộ hoặc đoán ý các em qua những tiếng “ê, a” chưa rõ nghĩa. Có em vừa đi học vài tháng, cứ chơi một lúc lại nhớ mẹ, khóc đòi về. Lúc đó, cô giáo phải tìm đủ mọi cách dỗ dành, khéo léo bày trò chơi. Chơi được 5 - 10 phút, các em lại quấy khóc, cô phải bày thêm nhiều trò mới giúp các em quên đi sự thiếu vắng của mẹ và quen dần với không khí sinh hoạt tại lớp. Có phụ huynh vì công việc không đến đón con đúng giờ, cô phải âu yếm, lựa lời giải thích để các bạn nhỏ không khóc vì tủi thân. Em nào đi học quen lại nằng nặc gọi cô bằng “má”, ăn cháo hay uống sữa cũng đòi “má Sen” đút mới chịu ăn.
Nhìn lại quãng đời đi dạy, cô Sen cho biết: “Giáo viên mầm non tuy là nghề vất vả và thu nhập “nhìn lên thấy không bằng ai” nhưng bù lại có những niềm vui không từ nào diễn tả được. Nếu không có cái tâm và lòng yêu trẻ, người giáo viên sẽ rất khó hoàn thành trách nhiệm được giao”. Do đó, trong vai trò một người “chị” đi trước, cô luôn tận tình hướng dẫn các đồng nghiệp mới ra trường và sinh viên thực tập các thao tác, kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ.
Hạnh phúc riêng chưa có nhưng có lẽ đối với cô, nụ cười, những cái ôm, hôn của học sinh chính là niềm vui, là hạnh phúc lúc nào cô cũng nâng niu, trân trọng. “Lạ lắm em ơi, đôi khi chỉ cần một câu chúc rời rạc chưa thành câu, một cành hoa nhỏ học trò tặng mình nhân ngày nhà giáo cũng đủ khiến chị vui suốt cả tuần”. Tôi hiểu người giáo viên ấy đang hạnh phúc với những gì mình đã chọn...
Cô Trương Thanh Dung, Giáo viên Trường Hy vọng quận 8: Động lực thôi thúc đến với nghề
“Cô giáo Trương Thanh Dung luôn tâm huyết với nghề và xem học trò như một phần của cuộc đời mình. Không chỉ tận tâm với học sinh, ngoài những giờ giảng chính, cô luôn tranh thủ thời gian cho các em tham gia hoạt động ngoại khóa như tập may, thêu, vẽ tranh để các em đủ tự tin và có nghị lực nhằm nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng. Những học sinh do cô dạy luôn có sự tiến bộ nhanh chóng.
Dù trường chỉ tiếp nhận những trẻ khiếm thính nhưng có những “ca khó” như trường hợp khó đa tật, khiếm thính, yếu vận động tưởng chừng “bó tay” nhưng sau 6 năm kiên trì với trò, giờ đây học sinh của cô đã học đến lớp 5, nói được và hoàn toàn có thể hòa nhập với cộng đồng”. Đó là những lời nhận xét từ thầy Nguyễn Văn Bé, Phó hiệu trưởng Trường Hy Vọng quận 8 TPHCM nói về đồng nghiệp của mình.
Cô Trương Thanh Dung trong giờ dạy toán lớp 5.
Cô Bùi My Thúy, giáo viên Trường THPT Gia Định: Người “hun đúc” tình yêu môn Sử
Vì sao các thế hệ học trò ở Trường THPT Gia Định đều thích thú và ấn tượng với giờ học Sử do cô Bùi My Thúy dạy? Không đơn giản cô dạy dễ hiểu, dễ tiếp thu mà mỗi tiết học luôn mang đến cho học sinh nhiều kiến thức mới lạ, sâu rộng. Thoát khỏi những con số khô khan, sự kiện dài khó nhớ… học sinh của cô được khuyến khích đi thực tế, tìm hiểu sưu tầm về tài liệu, các di tích lịch sử ở địa phương.
Những bài học thực tế kèm phương pháp học tích cực, trong đó người học được quyền nói lên suy nghĩ, quan điểm, kể cả trái chiều đã giúp học sinh phát huy khả năng thuyết trình, tư duy độc lập. Không những thế, từ những chuyến đi thực tế tìm hiểu về bảo tàng, di tích lịch sử, học sinh còn đưa ra những phương án, góp ý bảo tồn, bảo vệ di tích lịch sử tốt hơn. Từ những bài học gắn với thực hành và ứng dụng những gì đã học vào thực tế đã giúp học sinh cảm nhận được dòng chảy của lịch sử và sống cùng những nhân vật, sự kiện lịch sử.
Cô Bùi My Thúy
Nhờ cách dạy dễ hiểu và nhớ lâu của cô đã giúp nhiều học sinh không ưa thích môn này cũng không ngán học, thậm chí chuyển dần từ chán sang yêu thích môn Sử. Theo cô Bùi My Thúy, học sinh yêu thích môn Sử bắt nguồn từ hai phía, trong đó vai trò truyền lửa, khơi dậy sự thích thú lẫn đam mê của các em rất quan trọng nhất. Và để có những bài giảng chất lượng, dẫn dắt học sinh khám phá những sự kiện, tư liệu lịch sử trong và ngoài nước, cô luôn dành nhiều thời gian công sức sưu tầm tài liệu, hình ảnh, cập nhật kiến thức mới. Để giúp các em nhớ bài, hiểu kỹ vấn đề, cô luôn hệ thống kiến thức, nhấn mạnh những gì trọng tâm, lược bớt tư liệu, số liệu quá dài, khó nhớ. Vì thế, học môn Sử đối với nhiều học sinh tưởng khó mà lại dễ.
Cứ thế, bằng cái tâm yêu nghề, tận tụy với học sinh, cô Thúy đã truyền đam mê học Sử cho nhiều thế hệ học trò và con số đạt danh hiệu học sinh giỏi môn Sử cấp TP mỗi năm một dài thêm. Chỉ tính từ năm học 2002 - 2003 đến nay, cô Thúy đã bồi dưỡng thành công cho nhiều học sinh giỏi môn Sử, trong đó có 66 em đoạt giải nhất, nhì, ba cấp TP, 60 em đoạt giải Olympic (gồm 37 huy chương vàng và 23 bạc - đồng). Đặc biệt hơn ở các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, có 10 học sinh được cô dìu dắt, bồi dưỡng đã giành được 1 giải nhì, 6 giải ba và 3 giải khuyến khích.
Góp ý cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới, cô Thúy đề nghị phải tinh gọn chương trình, nội dung và đừng nên ôm đồm quá nhiều kiến thức. Hơn nữa, cách ra đề thi môn Sử cũng phải đổi mới để học sinh bớt áp lực, không phải học thuộc lòng sự kiện, con số dày đặc.
Gắn bó và tâm huyết cho nghề trồng người, cô Bùi My Thúy luôn ý thức trau dồi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng sư phạm. Là giáo viên giỏi môn Sử cấp TP và vinh dự nhận nhiều giấy khen, bằng khen về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng cô Thúy luôn khiêm tốn khi nói về bản thân. Cô tự hào vì mình được sống và làm việc trong môi trường sư phạm tốt của nhà trường, với đồng nghiệp đoàn kết, luôn chia sẻ chia, nâng đỡ nhau.
THU TÂM - KHÁNH BÌNH
Các tin, bài viết khác
- Trường Đại học Bách khoa TPHCM: Hai ngành học đạt chuẩn kiểm định ABET
- Học chương trình phổ thông với chuẩn quốc tế
- Thử thách của cách làm mới
- Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học
- “Cởi trói” phương pháp giảng dạy ở bậc tiểu học
- Rối!
- Cần cái bắt tay
- Đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp
- Tuyên dương 50 học sinh giỏi
- Đổi mới giáo dục cần sự đồng thuận của xã hội