(SGGP).- Tại buổi họp báo chuyên đề về chính sách quản lý ô tô công và định hướng mua sắm tài sản nhà nước ngày 23-10, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết thời gian qua việc thực hiện quy định về quản lý, sử dụng ô tô công vẫn còn nhiều bất cập.
Đó là hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức; việc mua sắm, thanh lý xe phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí; chi phí cho việc sử dụng xe khá lớn trong điều kiện ngân sách còn khó khăn (khoảng 320 triệu đồng/xe/năm); quy định về thời gian, số kilômét sử dụng cũng chưa phù hợp với thực tế; quy định về khoán kinh phí ô tô hầu như không được áp dụng; việc sử dụng ô tô vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra... Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Thắng là do Quyết định 59 và 61 trước đây quy định vấn đề này còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như việc sử dụng xe sai mục đích nhưng chế tài xử lý sai phạm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chưa rõ nên khó thực hiện. Mặt khác, các chế tài xử lý cũng nằm rải rác ở các văn bản khác nhau nên cũng tạo những khó khăn nhất định.
Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thay thế cho quy định hiện hành. Theo ông Thắng, với định mức từ 1 - 2 xe/đơn vị sẽ làm giảm một số lượng lớn ô tô phục vụ công tác chung. Theo cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, số lượng ô tô phục vụ công tác chung hiện có là 24.460 chiếc, nếu tính toán theo định mức mới ước tính sẽ giảm khoảng 7.000 ô tô so với hiện tại. Như vậy, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng.
NGỌC QUANG