Giẫm chân trong công tác quản lý nguồn nước thủy lợi

Vấn đề xả thải gây ô nhiễm nguồn nước thủy lợi tại TPHCM đang nóng trở lại, nhất là ở các khu vực giáp ranh. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do sự chồng chéo trong công tác quản lý dẫn đến giảm hiệu quả ngăn ngừa cũng như xử lý vi phạm.
Giẫm chân trong công tác quản lý nguồn nước thủy lợi

Vấn đề xả thải gây ô nhiễm nguồn nước thủy lợi tại TPHCM đang nóng trở lại, nhất là ở các khu vực giáp ranh. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do sự chồng chéo trong công tác quản lý dẫn đến giảm hiệu quả ngăn ngừa cũng như xử lý vi phạm.

Quy định “đá” nhau

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão, thuộc Sở NN-PTNT TPHCM, cho biết có hai đơn vị là Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở NN-PTNT được UBND TPHCM ủy quyền cấp phép xả nước thải đã qua xử lý vào nguồn nước. Theo phân cấp, Sở NN-PTNT cấp phép xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi với lưu lượng xả thải dưới 1.000m³/ngày đêm. Trên địa bàn thành phố đã có 23 đơn vị được cấp phép xả thải vào hệ thống thủy lợi, trong đó có 21 giấy phép do Sở NN-PTNT cấp, còn lại do Bộ NN-PTNT cấp.

Thực tế triển khai cho thấy việc phân cấp cấp phép và quản lý xả thải vào hệ thống thủy lợi ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Bắt đầu từ quy định về thẩm quyền cấp phép của thành phố thì các quy định cũng có sự khác nhau. Cụ thể, Quyết định số 56/2004 của Bộ NN-PTNT (quy định về thủ tục, thẩm quyền cấp phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi) thì thành phố có thẩm quyền cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi với lưu lượng nhỏ hơn 1.000m³/ngày đêm. Trong khi Nghị định 201/2013 (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước) thì thành phố có thẩm quyền cấp phép xả thải với lưu lượng dưới 3.000m³/ngày đêm.

Nhiều cơ sở sản xuất ở Bình Chánh (TPHCM) xả nước chưa qua xử lý vào hệ thống thủy lợi

Về hồ sơ thủ tục cấp phép, Thông tư 21/2011 của Bộ NN-PTNT quy định trong thành phần hồ sơ có báo cáo đánh giá tác động môi trường, hồ sơ thiết kế, quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nghiệm thu. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn thành phố thì thành phần hồ sơ này là kết quả của thủ tục hành chính khác do ngành tài nguyên - môi trường thực hiện. Vả lại, theo Nghị định 201/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, thì quy định thành phần hồ sơ, thủ tục có khác so với trường hợp cấp phép xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi.

Khó xử lý, do đâu?

Dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2014, ông Nguyễn Xuân Hoàng cho hay quy định thẩm quyền, trách nhiệm ngành tài nguyên - môi trường là hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật; còn trách nhiệm của ngành NN-PTNT là hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Như vậy, ngành NN-PTNT không có thẩm quyền thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Còn nếu áp theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo Nghị đinh 139/2013 thì hiện nay TPHCM vẫn trong giai đoạn thành lập Thanh tra chuyên ngành thủy lợi. “Chúng tôi kiểm tra, phát hiện các cơ sở xả thải gây ô nhiễm môi trường thì phải gửi toàn bộ chứng cứ, biên bản vi phạm đến các đơn vị như Sở TN-MT, cảnh sát môi trường và chính quyền địa phương để họ xử lý. Còn ngành NN-PTNT chỉ làm được duy nhất một việc là gửi văn bản yêu cầu các cơ sở này ngưng việc xả thải. Do vậy không mang tính răn đe các trường hợp vi phạm!”, ông Nguyễn Xuân Hoàng phân tích.

Thậm chí ngay chính trong ngành dọc cũng khó khăn về mặt phối hợp kiểm tra, xử lý. Cụ thể, các trường hợp do Bộ NN-PTNT cấp giấy phép xả thải, thì trong quá trình kiểm tra hiện trường, thẩm định cấp phép, các cơ quan cấp phép không phối hợp hoặc lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Việc này gây khó khăn cho công tác phối hợp kiểm tra, giám sát sau cấp phép và công tác quản lý trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Xuân Hoàng lấy một trường hợp cụ thể là Công ty TNHH liên doanh Excel Kind và Doanh nghiệp tư nhân Thăng Long, theo quy hoạch của thành phố thì thuộc KCN Tân Phú Trung nhưng lại được Bộ NN-PTNT cấp phép xả thải riêng lẻ. Bên cạnh đó, các trường hợp không thuộc địa bàn TPHCM, chẳng hạn như Công ty TNHH Sepzone - Linh Trung tại Tây Ninh, được Bộ NN-PTNT cấp phép xả thải với lưu lượng 10.000m³/ngày đêm ra kênh T38. Giấy phép có quy định Sở NN-PTNT TPHCM có thẩm quyền giám sát các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện giấy phép. Tuy nhiên, việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không thuộc địa bàn quản lý , khó tiếp cận kiểm tra hiện trường hoặc khi phát hiện vi phạm chỉ có văn bản báo cáo Tổng cục thủy lợi.

Kiến nghị quy về một đầu mối

Trước những bất cập nêu trên, Sở NN-PTNT kiến nghị đối với những trường hợp xả thải vào hệ thống thủy lợi lưu lượng nhỏ hơn 3.000m³/ngày đêm và thuộc thẩm quyền cấp phép của thành phố thì chấp thuận cho UBND TP quy về một đầu mối, ủy quyền cho sở TN-MT. Sở TN-MT sẽ có văn bản lấy ý kiến Sở NN-PTNT. Việc quy về một đầu mối cấp phép này không chỉ thuận lợi trong công tác hậu kiểm sau cấp phép cho cơ quan quản lý nhà nước, mà còn giảm bớt được thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ NN-PTNT, thì nên lấy ý kiến của UBND TPHCM cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thẩm định, kiểm tra hiện trường.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục