Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa chốt lại những giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện Chương trình chống ùn tắc giao thông theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2016-2020. Người dân thành phố rất quan tâm đến những nội dung này bởi chúng tác động trực tiếp đến cuộc sống của họ. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM.
Khai thác tốt hạ tầng để chống ùn tắc giao thông
Phóng viên: Thưa ông, những giải pháp chủ yếu nào mà Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã chọn để thực hiện chương trình chống ùn tắc giao thông của thành phố?
Ông BÙI XUÂN CƯỜNG: Trong bảy nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện Chương trình chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020, Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ tập trung vào ba nhóm giải pháp chính. Trước hết là nhóm khai thác tốt hệ thống hạ tầng hiện hữu. Đây là nhóm giải pháp, nếu thực hiện tốt sẽ cho hiệu quả nhanh nhất, ít tốn kém nhất. Những công việc chủ yếu của nhóm này: liên tục cập nhật, điều chỉnh, phân luồng giao thông cho phù hợp hơn với thực tế; áp dụng công nghệ thông tin vào kiểm soát giao thông… Nhóm thứ hai là cải thiện, nâng chất lượng hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng gắn liền với việc khai thác tốt hệ thống hạ tầng cầu đường hiện hữu.
Hoàn thành hệ thống giao thông nối với quốc lộ 1 qua TPHCM góp phần hạn chế ùn ứ giao thông. Ảnh: CAO THĂNG
Công việc chủ yếu của nhóm: đổi mới phương tiện vận tải, tổ chức lại luồng tuyến cho hợp lý hơn, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải, triển khai vé xe buýt thông minh, nâng chất lượng phục vụ của đội ngũ tài xế, tiếp viên, cán bộ Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng… Nhóm thứ ba là tạo cơ chế để huy động nguồn lực cho đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, mà cụ thể là hoàn thiện đường Vành đai 2, các trục đường hướng tâm như trục Bắc - Nam, Đông - Tây, các tuyến đường cửa ngõ như xa lộ Hà Nội, quốc lộ 22, quốc lộ 1… Ba nhóm giải pháp này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau, làm tốt cái này sẽ có điều kiện làm tốt cái kia và cũng là những vấn đề quan trọng, có tính chất quyết định trong việc chống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, là mục tiêu mà ngành giao thông đang đeo đuổi.
Hình như đây là những nhóm giải pháp… không mới. Những năm trước, để thực hiện chương trình chống ùn tắc giao thông của thành phố, Sở Giao thông Vận tải cũng từng đưa ra những giải pháp tương tự?
Tổ chức lại giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng, làm cầu, xây thêm đường… là những công việc cơ bản cần phải triển khai để chống ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông ở bất cứ đô thị nào. TPHCM không là ngoại lệ. Vấn đề là cách tổ chức thực hiện mới, quyết liệt, có tính đột phá hay không. Sắp tới, Sở Giao thông Vận tải sẽ đẩy nhanh tiến độ áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý giao thông, sớm hình thành trung tâm điều hành giao thông, gắn camera quan sát để kịp thời cập nhật tình hình và nhanh chóng giải quyết các vấn đề giao thông phát sinh trên thực tế; liên tục cập nhật thông tin về luồng tuyến xe buýt trên mạng internet; áp dụng các công nghệ mới vào thi công xây dựng cầu đường, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến metro, BRT… Đặc biệt, thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ, nhất là trong các công việc liên quan tới người dân. Ví dụ, trong đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, mọi quyết định đều phải cân nhắc đến nhu cầu, sự thuận tiện trong sử dụng của người dân. Ví dụ như sàn xe buýt phải được thiết kế thuận tiện cho người khuyết tật lên xuống; trạm dừng nhà chờ sạch sẽ… Trong sát hạch lái xe, sở sẽ mở thêm nhiều điểm tiếp nhận hồ sơ để người dân có nhiều lựa chọn khi cần. Sở chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các hoạt động đầu tư, xây dựng khác sẽ kêu gọi các thành phần kinh tế khác thực hiện.
Đồng hành, gỡ khó cho nhà đầu tư
Xã hội hóa đầu tư là chủ trương xuyên suốt của TPHCM từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, số dự án được thực hiện bằng hình thức này chưa nhiều như tiềm lực của xã hội có thể thực hiện. Trong nội dung này, Sở Giao thông Vận tải có giải pháp đột phá?
Xã hội hóa đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông sẽ có hai vấn đề chủ đạo. Thứ nhất, kiến nghị cơ chế chính sách, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông mạnh mẽ hơn nữa. Thứ hai, tạo nguồn thu từ hệ thống hạ tầng giao thông. Sở Giao thông Vận tải sẽ sớm đánh giá, trình UBND TPHCM kết quả chương trình thí điểm quảng cáo trên xe buýt và đề xuất ngay kế hoạch triển khai rộng rãi. Bên cạnh đó, sở sẽ cho quảng cáo ở cả các rào chắn thi công các công trình giao thông, cầu vượt bộ hành, trạm dừng, nhà chờ xe buýt… để tạo thêm nguồn thu, đầu tư trở lại cho giao thông. Ban Quản lý Đường sắt nội đô TPHCM đã từng thu được 5 tỷ đồng khi cho quảng cáo trên rào chắn thi công tuyến metro số 1. Sở Giao thông Vận tải xác định sẽ hỗ trợ tối đa về thủ tục, kỹ thuật cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư các công trình giao thông; đồng hành, cùng gỡ khó với các nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư sẽ là quan điểm xuyên suốt của ngành trong thời gian tới.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải rất quyết tâm trong việc đổi mới nhằm thực hiện tốt Chương trình chống ùn tắc giao thông của thành phố. Thế nhưng, liệu bộ máy bên dưới có thấm nhuần tư tưởng này và quyết tâm thực hiện như ban lãnh đạo?
Sở Giao thông Vận tải đang tiến hành rà soát, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ, công chức sở cũng như các khu quản lý giao thông đô thị, chấn chỉnh lại những khâu còn yếu. Đặc biệt, sở sẽ xây dựng cơ chế làm việc mà theo đó mỗi cá nhân đều có điều kiện phát huy được năng lực của mình mà khi cần vẫn có thể hợp tác, làm việc theo nhóm để đạt được kết quả tốt hơn. Chưa hết, trong mỗi bộ phận sẽ có quy chế chịu trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân. Với mô hình tổ chức này, tôi tin rằng Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan sẽ có những chuyển biến tích cực, đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
NGUYỄN KHOA