Giảm nghèo nhanh, bền vững

Dự kiến cuối tháng 12-2013, TPHCM cơ bản hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn 12 triệu đồng/người/năm, về đích trước 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ TPHCM (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đề ra. Đây là thành quả quan trọng, thể hiện sự kiên trì, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM trong suốt thời gian dài, đồng thời là bước tiến mạnh mẽ, vững chắc trong chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá của TPHCM, làm cơ sở để TP giảm nghèo nhanh, bền vững.

Nhìn lại chặng đường đã qua, chương trình xóa đói giảm nghèo do TPHCM khởi xướng từ những năm 90, sau đó lan rộng ra cả nước và nay chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá đã trở thành chủ trương đúng đắn của TPHCM, hợp lòng dân, phù hợp với tiến trình phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Để có được kết quả hôm nay, TPHCM luôn quan tâm và tìm mọi cách để chăm lo, cải thiện đời sống dân nghèo ngày một tốt hơn.

Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, TPHCM xác định việc giảm nghèo-tăng hộ khá là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu, xem đây là chính sách xã hội trọng điểm trong suốt quá trình phát triển, từ đó ưu tiên nguồn lực đầu tư ngay trong từng chương trình, kế hoạch. Chung tay cùng chính quyền TP còn có sự đóng góp tích cực, chủ động, thể hiện tính nhân văn sâu sắc và trách nhiệm xã hội cao cả của các doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm.

Để đạt mục tiêu TP cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2013, ngay từ đầu năm, các ngành và các địa phương tiến hành rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp hỗ trợ thích hợp như dạy nghề, hướng nghiệp, hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm... Đối với hộ vừa thoát nghèo, TP tiếp tục hỗ trợ trong vòng 1 năm để họ nhanh chóng ổn định cuộc sống, tìm việc làm, sản xuất, kinh doanh nhỏ.

Ngoài ra, TPHCM hỗ trợ 15% giúp hộ nghèo mua bảo hiểm y tế; miễn giảm 100% học phí và tiền cơ sở vật chất cho những học sinh, sinh viên của hộ nghèo có thu nhập dưới 10 triệu đồng/người/năm; thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, trong đó có chính sách về nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp; điều chỉnh thời hạn cho vay vốn và hạn mức vay phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ; tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý để người nghèo sở hữu hợp pháp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở…

Những việc làm trên là bước khởi đầu trong việc tiếp cận người nghèo và trợ giúp người nghèo theo phương pháp đa chiều nhằm hỗ trợ người nghèo có được cuộc sống tốt hơn trên các mặt đời sống xã hội, làm cơ sở giảm nghèo nhanh, bền vững. Từ kết quả làm được ở TPHCM, mới đây, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đã chọn TPHCM là nơi thí điểm tổ chức mô hình giảm nghèo đa chiều.

Giảm nghèo đa chiều là một chuẩn nghèo mới theo một cách tiếp cận mới đang được nhiều nước áp dụng. Theo đó, tình trạng nghèo được xây dựng với nhiều chiều dựa theo thu nhập, giáo dục, y tế, tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, chất lượng và diện tích nhà ở, dịch vụ nhà ở, tham gia các hoạt động xã hội, an toàn xã hội.

Với việc áp dụng mô hình giảm nghèo đa chiều, trước mắt làm thí điểm ở 4 quận - huyện, lãnh đạo TPHCM xem đây là một trong những cơ sở để xác định đối tượng nghèo một cách toàn diện, ban hành các chính sách giảm nghèo phù hợp, đề ra các giải pháp giảm nghèo đô thị đạt hiệu quả cao, từ đó giúp cho chương trình giảm hộ nghèo - tăng hộ khá được triển khai toàn diện, đảm bảo người nghèo được tiếp cận các dịch vụ cơ bản.

Nhiệm vụ đặt ra cho TPHCM trong thời gian tới cần có sự thống nhất cao và thực hiện đồng bộ các giải pháp can thiệp chính sách trên các lĩnh vực tạo việc làm và bảo trợ xã hội, nhà ở và dạy nghề, các dịch vụ giáo dục và y tế...

Điều này cũng đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa các cấp chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị và sự vào cuộc của cả cộng đồng. Một yếu tố không kém phần quan trọng là các cấp chính quyền, mặt trận, tổ chức đoàn thể kiên trì vận động, thuyết phục giúp người nghèo có ý thức tự chủ, sự nỗ lực bản thân và lòng tự trọng để vươn lên thoát nghèo một cách chắc chắn, hiệu quả.

Giảm nghèo nhanh, bền vững - một trong những trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 sẽ góp phần từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo, từ đó tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm khoảng cách nghèo ngay trong từng thời kỳ và từng chính sách phát triển.

TUẤN SƠN

Tin cùng chuyên mục