Giảm nước thất thoát, thất thu tại Công ty CP Cấp nước Thủ Đức: Đi vào chiều sâu

Giảm thất thoát nước, thất thu là một trong những nhiệm vụ mang tính “sống còn” của ngành cấp nước TP nói chung và của Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức nói riêng. Bởi lẽ, khi thực hiện tốt nhiệm vụ này không chỉ góp phần giảm các chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị mà còn nâng chất lượng, sản lượng nước cung cấp cho khách hàng. Những năm trở lại đây, công tác này được công ty tập trung thực hiện quyết liệt với các giải pháp đột phá nên đã đạt được kết quả khả quan.

Giảm thất thoát nước, thất thu là một trong những nhiệm vụ mang tính “sống còn” của ngành cấp nước TP nói chung và của Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức nói riêng. Bởi lẽ, khi thực hiện tốt nhiệm vụ này không chỉ góp phần giảm các chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị mà còn nâng chất lượng, sản lượng nước cung cấp cho khách hàng. Những năm trở lại đây, công tác này được công ty tập trung thực hiện quyết liệt với các giải pháp đột phá nên đã đạt được kết quả khả quan.

Nâng tầm công tác giảm nước thất thoát, thất thu

Tỉ lệ nước thất thoát tại địa bàn do công ty quản lý trên 33%. Trong đó, khoảng 80% lượng nước thất thoát do cơ học và khoảng 20% lượng nước thất thoát do thương mại. “Bắt mạch” xác định rõ đâu là nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên, công ty đã mạnh dạn áp dụng các giải pháp để kéo giảm tỷ lệ này.

Tháng 9-2009, Công ty đã thành lập Ban giảm nước không doanh thu, thay vì trước đây chỉ là một tổ trong Ban kiểm tra nhằm huy động tối đa trí lực để thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, thành viên trong ban đã lên đến 25 người, gồm: tổ quản lý mạng lưới địa bàn- Caretaker; tổ thi công; tổ dò bể; tổ mạng lưới, quản lý. Đây là đơn vị đầu tiên của ngành cấp nước TP thành lập ban này.

Theo đó, dựa vào đặc thù mạng lưới cấp nước do công ty quản lý có cấu tạo phức tạp, mạng cục xen kẽ mạng vòng; có sự chênh lệch áp lực lớn giữa các khu vực, mạng lưới cấp 1, cấp 2 chưa đồng bộ, công ty đã lựa chọn giải pháp thực hiện công tác giảm nước thất thoát, thất thu theo phương pháp tổng hợp để triển khai trên toàn công ty, kết hợp phương pháp phân vùng, tách mạng, thiết lập các CMA, DMA (tập trung thực hiện tại các vùng đồng hồ tổng có mạng lưới được cô lập). Công ty phân chia toàn bộ hiện trạng mạng lưới thành 18 CMA và tiếp tục phân nhỏ thành 43 DMA, triển khai nhân rộng giảm nước thất thoát, thất thu ra 11 khu vực đồng hồ tổng.

Đặc biệt, công ty phối hợp các chuyên gia USP Hà Lan, triển khai mô hình nhân viên quản lý địa bàn - Caretaker trong công tác giảm nước thất thoát thất thu phù hợp với tính chất đặc thù mạng cấp nước của công ty. Về mô hình này, một số công ty trên thế giới đã áp dụng thành công như các công ty của Hà Lan, Philippines… Trên cơ sở đó, công ty cũng đào tạo được đội ngũ chuyên sâu thực hiện công việc này.

Tính tới tháng 9-2011, công ty triển khai công tác giảm nước thất thoát thất thu với mô hình Caretaker trên 11 khu vực (với khoảng 19.039 đồng hồ nước khách hàng, chiếm 18,6% tổng số đồng hồ nước công ty). Tại mỗi khu vực, có 1 Caretaker chịu trách nhiệm chính về tất cả các mặt trong khu vực mình quản lý. Các Caretaker bám sát địa bàn quản lý, mỗi người theo dõi khoảng 2.000 khách hàng cố định (tương đương 2.000 đấu nối), tiếp cận từng khách hàng về đồng hồ, dò bể, sửa bể kịp thời.

Nhờ đó, công ty đã thu được kết quả khá tốt trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc kiểm soát và hạ thấp được tỉ lệ thất thoát nước, có khu vực tỉ lệ thất thoát nước đã được kéo giảm xuống chỉ còn 15%, thậm chí là 10%.

Kết hợp đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh đó, công ty còn xây dựng kế hoạch dò bể mang tính tổng thể, hệ thống và thực hiện liên tục đặc biệt là tại những vùng mà tỷ lệ nước thất thoát, thất thu còn cao nhằm phát hiện và xử lý kịp thời. Nhằm tăng tính hiệu quả của công tác dò bể (đặc biệt là dò bể ngầm), đơn vị đã mạnh dạn ứng dụng các thiết bị hiện đại  như: máy khuếch đại âm, máy tiền định vị, máy tương quan âm, bút dò, thu thập tín hiệu bể, xây dựng thư viện âm thanh phục vụ công tác, đào tạo kỹ năng dò bể…

Trong tình trạng mạng lưới thực tế có khoảng cách giữa các van là khá xa nhau, công ty đã lắp đặt thử nghiệm chân đế đặt bộ ghi âm sensor phục vụ công tác quản lý mạng lưới dò tìm rò rỉ nhằm khắc phục các hạn chế của thiết bị tiền định vị, tương quan âm về khoảng cách thu âm tín hiệu (phải <100m). Thường xuyên bảo trì hệ thống van trên mạng lưới, cơi van trên toàn mạng lưới theo thứ tự ưu tiên. Tăng cường công tác đo vẽ, cập nhật cốt van, đặt mã van cho hệ thống van trên toàn mạng lưới của công ty.

Đây là công tác vô cùng quan trọng, là cơ sở cho công tác vận hành, quản lý mạng lưới và là cơ sở cho việc sử dụng các thiết bị tiền định vị và tương quan trong công tác dò tìm bể. Song song đó, việc ứng trực sửa bể thực hiện 24/24 giờ để tiếp nhận các nguồn tin báo nhằm xử lý kịp thời sự cố. Công ty cũng tăng cường công tác giám sát chất lượng thi công, sửa bể, đặc biệt tại các vùng triển khai giảm nước thất thoát, thất thu nhằm đảm bảo công tác thi công, sửa bể đúng kỹ thuật.

Một nhiệm vụ quan trọng cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm khi thực hiện kéo giảm nước thất thoát, thất thu là đẩy mạnh cải tạo đường ống cũ, mục; đẩy nhanh công tác cập nhật họa đồ mạng lưới cấp nước một cách hệ thống, ưu tiên cho mạng lưới cấp nước chính nhằm phục vụ công tác phân vùng tách mạng, sau đó hoàn chỉnh dần mạng lưới các tuyến ống nhánh.

Quản lý đồng hồ nước khách hàng, rà soát, sắp xếp lại các đồng hồ con sau đồng hồ tổng cho chính xác cũng được đặt ra nhằm phản ánh đúng tỉ lệ thất thoát nước của từng khu vực đồng hồ tổng để từ đó có kế hoạch đầu tư và thực hiện giải pháp giảm nước thất thoát phù hợp. Chú trọng thay nhanh đồng hồ nước hoạt động bất thường, có dấu hiệu hỏng, nhất là đồng hồ nước cỡ lớn, công ty liên tục rà soát, xử lý các trường hợp tiêu thụ nước bất thường, sai giá biểu, gian lận trong sử dụng nước.

Từ những nỗ lực trên, đến cuối năm 2011, tỉ lệ nước thất thoát thất thu kéo giảm đều, xuống chỉ còn 22,9%. Đây cũng là động lực để công ty tiếp tục có những cách làm đột phá trong thời gian tới.

 Đinh – Gia – Anh

Tin cùng chuyên mục