Giám sát BOT giao thông

HÀM LUÔNG

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giao thông, trong đó, vấn đề trách nhiệm thẩm định các dự án BOT để xác định thời gian thu phí hay vấn đề trạm thu phí dày đặc, nhiều trạm BOT “đặt nhầm chỗ” đã gây bức xúc người dân. Hiện Bộ GTVT đang quản lý 74 trạm thu phí BOT trên cả nước. Để rà soát lại các dự án này, trong năm 2016, Bộ GTVT không cấp mới dự án BOT nào. Trong khi đó, sau khi kiểm toán 27 dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu cả 27 dự án BOT phải “cắt” cả trăm năm thu phí.

Vấn đề đặt ra hiện nay là có hay không sự nhập nhèm của các dự án BOT giao thông? Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông phải áp dụng cho các dự án xây dựng những tuyến đường hoàn toàn mới, nhưng hầu hết các dự án BOT hiện nay chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu, một số dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo (như quốc lộ 91) khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng dịch vụ của dự án BOT. Điển hình như quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp, nhà đầu tư chỉ đầu tư nâng cấp mở rộng đoạn đường dài 21,6km trên nền đường hiện hữu nhưng tổng mức đầu tư hơn 1.830 tỷ đồng và lập phương án thu phí 11 năm 3 tháng. Hay như ở tỉnh Bình Dương, nhà đầu tư bỏ vốn nâng cấp, mở rộng một đoạn quốc lộ 13, rồi đặt 2 trạm thu phí chỉ cách nhau 19km và tiến hành thu phí.

Một vấn đề nổi cộm khác là việc lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án BOT, chủ yếu là chỉ định thầu do nhu cầu cấp bách, chưa thực hiện được hình thức đấu thầu quốc tế công khai, rộng rãi; hoặc nếu có đăng báo thì cũng chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Hình thức này đã khiến cơ chế cạnh tranh bị mất đi, những yếu tố như chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí… chỉ là thỏa thuận, chưa mang tính chất thị trường. Ngoài ra, hiện chưa có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc giám sát các hoạt động thu phí tại các trạm thu phí, nên công tác giám sát thu phí của cơ quan nhà nước tại địa phương gặp khó khăn. Cũng vì lý do này, các cơ quan tại địa phương chưa đủ cơ sở giám sát hoạt động khai thác cũng như chất lượng công trình của các dự án BOT.

Không chỉ có Hà Nội, khu vực Đông Nam bộ, mà ĐBSCL cũng đang bị “ma trận” các trạm thu phí bủa vây, gánh cả chục trạm thu phí và các trạm này không tuân thủ khoảng cách tối thiểu 70km giữa 2 trạm như Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định. Tuyến quốc lộ 1A đoạn từ TP Cần Thơ đến Cà Mau chỉ có chiều dài 180km nhưng có đến 3 trạm thu phí; trên quốc lộ 91 đoạn từ TP Cần Thơ đến cầu Cái Sắn (giáp ranh với tỉnh An Giang) có chiều dài khoảng 45km cũng đã có đến 2 trạm thu phí. Có nhiều điểm bất hợp lý vẫn ngang nhiên tồn tại: Từ TP Long Xuyên đến cảng Thốt Nốt khoảng 10km nhưng chỉ đi qua đoạn đường của nhà đầu tư BOT hơn 100m, xe chở hàng vào cảng phải trả phí sử dụng đường cho toàn tuyến. “Kết quả là, từ khi trạm thu phí Lộ Tẻ đi vào hoạt động, sản lượng hàng hóa qua Tân Cảng Thốt Nốt giảm đến 30%-40% vì doanh nghiệp xuất khẩu ngại tăng chi phí đã chọn cảng An Thới để tập kết hàng”, một vị lãnh đạo Tân Cảng Thốt Nốt than vãn.

Trước những vấn đề “nóng” của các dự án BOT giao thông, từ sau phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, chủ trương của Chính phủ đánh giá toàn diện cả những cái được và chưa được của hoạt động thu hút vốn BOT thời gian qua, từ đó có sự chấn chỉnh, điều chỉnh trong công tác đầu tư, quản lý và phê duyệt các dự án theo hình thức đầu tư này. Tại ĐBSCL, vừa qua đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội dẫn đầu đã tiến hành giám sát 2 dự án BOT trên địa bàn TP Cần Thơ…, đã đề nghị Bộ GTVT rà soát lại các vấn đề như: Hướng dẫn về quyết toán, nghiệm thu công trình… sau khi công trình đi vào khai thác. “Nếu cần, chúng ta xây dựng thành một bộ quy trình về nghiệm thu, quyết toán dự án BOT giao thông. Điều này sẽ giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT, nhà đầu tư thuận lợi và hiệu quả, tạo đồng thuận trong dư luận”, ông Kiên nêu ý kiến.


HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục