Giảm tải đừng chỉ là danh nghĩa

Hồi đầu học kỳ hai năm lớp một, sau khi tan học về nhà, Bin hỏi bố: “Lớp con đã có 35 bạn đăng ký học thêm với cô, con có phải là người thứ 36?”. Bố trả lời: “Không cần học thêm gì hết con ạ. Con học ở lớp là đủ, về nhà làm hết bài tập. Muốn biết thêm nhiều thứ thì con đọc sách, hè đi chơi nhiều nơi. Rồi con có gì chưa rõ thì hỏi, không cần học thêm”.

Sau 2 năm, bây giờ Bin vào lớp ba. Cả lớp một và hai, Bin đều ở trong nhóm 5 học sinh đứng đầu lớp mà không hề học thêm. Chiều thứ ba - năm - bảy, Bin đi học võ, cuối tuần học bơi cho khỏe. Và ông bố vẫn dứt khoát rằng không cần học thêm gì cho mệt và học thêm cũng không giúp trở thành... thiên tài!

Câu chuyện nhỏ ở trên cho thấy Bin là một học sinh may mắn vì không bị nhồi quay cuồng trong đủ thứ học chính khóa và ngoài giờ. Tuy vậy, trường hợp may mắn như Bin chắc chỉ là thiểu số. Áp lực “không học thêm thì thua sút con người ta” thường khiến các phụ huynh sốt ruột. Còn các giáo viên, ngoài lý do tăng thu nhập, cũng tổ chức học thêm để tránh áp lực không hoàn tất chỉ tiêu học sinh giỏi, tiên tiến của trường. Sự dồn ép hữu hình và vô hình của người lớn làm trẻ nhỏ khổ sở vì học.

Năm học này, ngành giáo dục lại nhấn mạnh về chuyện giảm tải cho các cấp học phổ thông. Nhưng có giảm tải được thực chất hay không, đó vẫn là một nỗi hoài nghi. Bệnh thành tích của cả hệ thống giáo dục và cha mẹ học sinh đang là vấn nạn khó chữa. Ở một tầm sâu hơn, tâm lý đổ dồn mọi hy vọng vào con đường khoa cử của toàn xã hội cũng góp phần tạo nên vấn nạn ấy. Nói không ngoa ngôn, học sinh đang là nạn nhân của kỳ vọng, trước hết là với chuyện vượt qua thi cử.

Vấn đề mâu thuẫn là kỳ vọng cao, nặng nề lại gắn liền với một hệ thống phương pháp giáo dục lạc hậu. Sách giáo khoa có hàng loạt điều chỉnh, nâng cấp với ngân sách tốn kém, nhưng năm nào cũng đứng trước những “cơn lũ” than phiền, chê trách. Giáo viên năm nào cũng được tập huấn, nâng cao tay nghề nhưng tỷ lệ không đáp ứng yêu cầu vẫn thường xuyên báo động. Và tâm điểm là bệnh thành tích ngày càng nặng.

Trong vai trò một phụ huynh, theo dõi các thông tin và dư luận về ngành giáo dục, rất dễ mất bình tĩnh. Bởi vì trong một thời gian ngắn, có rất nhiều thông tin gây bất an. Đồng hành với điều đó là kết quả giáo dục nhiều khiếm khuyết. Nhiều học sinh phổ thông và sinh viên đại học - cao đẳng chỉ quen học vẹt, trả bài rồi quên. Kiến thức của người đi học hiện tại vừa hẫng vừa lệch, đặc biệt là ở lớp cuối cấp.

Giảm tải chương trình học phổ thông, nếu muốn có thực chất phải xoay quanh một trục là vì học sinh. Lợi ích của người học phải thực sự là trung tâm. Kiến thức có được từ dạy và học cân đối, hài hòa với sự phát triển các kỹ năng vận động và sự phát triển bình thường về tâm lý. Và điều ít được chú ý là muốn giảm tải, phải khuyến khích khả năng tự học, tự đọc từ rất sớm. Nếu suốt ngày phải quay cuồng với áp lực nhồi nhét, hẳn rằng học sinh sẽ mất khả năng tự học. Chừng nào mà học vẫn còn là sự thụ động, tiếp thu một chiều, chừng đó giảm tải vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Chương trình dạy học hiện nay căng thẳng, nặng nề, bởi nhìn từ kết quả ai cũng thấy là rất kém. Càng thấy kém càng sốt ruột và ngành giáo dục loay hoay với đủ thứ cải tiến vội vàng. Vì lợi ích của học sinh, sự mong mỏi đau đáu của dư luận là cần có sự thay đổi căn bản về dạy - học. Muốn thế, cần chuẩn bị quá trình nghiên cứu thấu đáo, cẩn trọng, không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích riêng. Nếu không, cái gọi là cải tiến luôn là một cái vòng luẩn quẩn và giảm tải chỉ là danh nghĩa.


VŨ THƯỢNG

Tin cùng chuyên mục