Sau hai năm triển khai mô hình “phạt nguội” người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông tại TPHCM, đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông ở TP đã có một số mặt chuyển biến tích cực.
Tuy vậy, thực tế vẫn còn không ít bất cập từ cách xử phạt này. Nên hay không nên duy trì cách xử phạt này trong thời gian tới? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp (ảnh), Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC67) Công an TPHCM. Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp cho biết:
Việc áp dụng mô hình xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ bằng camera ghi hình di động và cố định (hay còn gọi là phạt nguội) đã và đang mang lại hiệu quả đáng kể trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho TPHCM. Bên cạnh việc đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc trong xử lý vi phạm vì có hình ảnh, bản ảnh ghi nhận cụ thể, xác thực hành vi vi phạm, mô hình “phạt nguội” còn phát hiện số trường hợp vi phạm nhiều hơn phạt thường (kiểm tra trực tiếp trên đường). “Phạt nguội” không đòi hỏi nhiều nhân lực vì việc theo dõi, tra cứu đều thông qua hệ thống vi tính, lại bao quát ở một khu vực rộng lớn nhờ hệ thống camera quan sát. Quy trình thực hiện lại chặt chẽ, công khai, ngăn ngừa được các hành vi tiêu cực…
* Phóng viên: Qua mô hình “phạt nguội” ở TPHCM từ đầu năm 2014 đến nay, đã đạt được kết quả ra sao, thưa thượng tá?
* Thượng tá NGUYỄN HOÀNG DIỆP: Qua triển khai thực hiện “phạt nguội” trong 10 tháng qua, PC67 đã ghi nhận được 30.356 bản ảnh vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông, hiện tại đã có 5.150 trường hợp thực hiện quyết định nộp phạt (đạt tỷ lệ 16,79%). So với năm 2013, số lượt ghi hình vi phạm tăng hơn 10.356 trường hợp. Các lỗi vi phạm qua “phạt nguội” chủ yếu là: vi phạm tốc độ, dừng đậu sai quy định, lưu thông không đúng phần đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu… Đặc biệt, khi biết CSGT đưa vào thực hiện “phạt nguội”, người dân lo sợ mình có thể bị ghi hình hành vi vi phạm Luật Giao thông bất cứ lúc nào nên đã ý thức hơn trong việc chấp hành luật khi lưu thông.
* “Phạt nguội” đã tác động thế nào đến tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở TPHCM?
* Thời gian qua, việc tổ chức “phạt nguội” người vi phạm Luật Giao thông được PC67 tập trung vào hai tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông đông và có nguy cơ xảy ra TNGT cao là xa lộ Hà Nội (quận 2, 9, Thủ Đức) và quốc lộ 1A (đoạn qua quận Bình Tân). Qua “phạt nguội”, từ tháng 11-2013 đến nay, số vụ TNGT xảy ra và số người chết do tai nạn trên hai tuyến này đã giảm đáng kể. Cụ thể, từ tháng 11-2012 đến tháng 10-2013, xa lộ Hà Nội xảy ra 24 vụ TNGT, làm chết 22 người, nhưng bước qua khoảng thời gian từ tháng 11-2013 đến tháng 10-2014, trên tuyến đường này đã giảm 7 vụ TNGT và 7 người chết. Tương tự trong hai khoảng thời gian trên, quốc lộ 1A đoạn qua quận Bình Tân đã giảm 9 vụ TNGT và 9 người chết.
* Quá trình triển khai thực hiện việc “phạt nguội”, lực lượng CSGT có gặp khó khăn?
* Khó khăn với CSGT thì không, tuy nhiên do “phạt nguội” là cách chế tài mới đối với người vi phạm Luật Giao thông nên nhiều trường hợp người vi phạm còn lúng túng trong việc thực hiện quy trình nộp phạt. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan báo đài, truyền thông để thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân. Tuy nhiên, đối với những trường hợp người vi phạm đã được PC67 gửi thông báo đến lần thứ 3 nhưng cố tình “làm lơ” việc đóng phạt, chúng tôi sẽ cưỡng chế theo quy định.
Một trường hợp điều khiển phương tiện đối chất với CSGT TPHCM về hành vi vi phạm từ hình ảnh camera ghi lại.
* Có ý kiến cho rằng, không nên duy trì việc “phạt nguội” vì cách làm này tồn tại nhiều bất cập, Nhà nước tốn kinh phí đầu tư camera hiện đại nhưng vẫn phải trả lương cho CSGT chạy lòng vòng ngoài đường tìm phương tiện vi phạm ghi hình, trong khi người dân bị phiền toái, tốn thời gian đi lại đối chất. Ông thấy thế nào?
* Hơn 2 năm thực hiện mô hình “phạt nguội”, PC67 chưa thấy phát sinh vướng mắc, khó khăn nào cho CSGT. Chúng tôi cũng chưa tiếp nhận trường hợp khiếu nại nào từ những người vi phạm. Để việc “phạt nguội” diễn ra tiện lợi, hiệu quả hơn trong thời gian tới, PC67 kiến nghị TP đầu tư thêm số lượng camera ghi hình. Về phía PC67, chúng tôi đẩy nhanh tiến độ trích xuất hình ảnh vi phạm, phối hợp với công an địa phương trong việc nâng cao tỷ lệ gửi thông báo đến tận tay người vi phạm/chủ phương tiện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những vấn đề liên quan đến pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người dân có thể nộp phạt qua hệ thống mạng điện tử.
* Đối với các trường hợp người điều khiển xe mua chưa sang tên, hay xe mượn, xe thuê khi bị “phạt nguội”, PC67 xử lý thế nào?
* Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Theo đó, chủ phương tiện phải phối hợp với CSGT để xác định người điều khiển xe vi phạm. Như vậy, chủ phương tiện sẽ xác định người điều khiển xe vi phạm, CSGT sẽ chế tài đối với lái xe vi phạm.
Thực tế cho thấy, việc “phạt nguội” người vi phạm Luật Giao thông là cần thiết, khả thi và mang lại hiệu quả. Tới đây, chúng tôi sẽ triển khai mở rộng mô hình “phạt nguội” ra nhiều tuyến đường ở TP, đồng thời nâng cao chất lượng kiểm soát, đầu tư hệ thống camera hiện đại, có nhiều tính năng hơn để nâng chất việc “phạt nguội”.
TUẤN VŨ thực hiện