Giảm tải, nhìn từ chiếc cặp

Chiếc cặp đi học của học sinh vẫn chưa bớt nặng, đó là nhận xét trước ngày khai giảng. Năm học mới đã bắt đầu từ giữa tháng 8, cho nên nếu cân sẽ lại thấy tái hiện trọng lượng tương đương với cặp của năm học trước.

Cũng cần nhắc lại, năm ngoái, một học sinh tiểu học đã bị thương vì chiếc cặp quá nặng. Trường học của em bèn cân đại trà những chiếc cặp mà học sinh lớp 4 mang đến trường. Trọng lượng bình quân của cặp được ghi nhận là 4kg. Dĩ nhiên, trong cặp đi học còn có thức ăn, áo khoác, vật dụng, nước uống... nhưng riêng sách vở đã chiếm hơn 1/3.

Trên đường đến trường và về nhà, một số chiếc cặp học sinh đã được cha mẹ, người đưa rước mang giúp. Nhưng “sức nặng” của chương trình và áp lực học tập thì không ai mang giúp được các học sinh được cả. Điều này diễn ra ở tất cả các khối lớp của bậc học phổ thông. Đã có không ít dẫn chứng và phân tích cho thấy chương trình học phổ thông hiện đang nặng tính nhồi nhét. Việc học đang là nỗi khổ hơn là niềm vui.

Trước áp lực của dư luận và sức ép nội tại, ngành giáo dục đã đề ra mục tiêu giảm tải cho năm học mới, đối với bậc học phổ thông. Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, việc giảm tải tập trung vào chương trình chuẩn, hướng tới việc điều chỉnh những nội dung kiến thức căn bản nhất, tác động đến tất cả các đối tượng học sinh. Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm tra thực hiện giảm tải cũng sẽ tiến hành thường xuyên trên toàn quốc.

Đây không được coi là một hành động “phản ứng nhanh”, vì những kêu ca về chương trình, nội dung sách giáo khoa phổ thông đã nổi lên từ lâu. Nhưng dư luận, sau khi có chút hồ hởi, lại tiếp tục hoài nghi: giảm tải liệu đã được chuẩn bị căn cơ hay chỉ là một giải pháp tình huống? Giảm tải trong nội dung dạy - học, còn phương pháp dạy - học cải thiện ra sao? Thi cử sẽ thế nào? Và việc giảm tải ở bậc học phổ thông có liên kết chặt chẽ với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng?

Dư luận không yên tâm, vì những hoạt động liên quan đến quản lý, vận hành ngành giáo dục nhiều năm qua tạo nên cảm giác thấp thỏm. Một số quyết sách giáo dục được ban hành vội vã, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Và đáng ngại nhất, sau những hô hào cải tiến, thực trạng bề bộn của hệ thống giáo dục lại trở lại như cũ.

Dư luận lo, vì đã phải nghe quá nhiều khẩu hiệu, mà lại nhìn thấy quá nhiều trì trệ. Mong mỏi những thay đổi tích cực, có thực chất được thực thi nhiều lúc đã được trả lời bằng sự thất vọng. Giảm tải trong năm học này hy vọng sẽ không là những hô hào to tát. Và ở một khía cạnh quyết định nữa, là muốn giảm tải có hiệu quả, phải có sự đồng hành từ xã hội, tâm điểm là chính cha mẹ học sinh. Tâm lý quá chú trọng khoa cử, thích con đạt điểm cao một cách hình thức... cũng là một lực cản lớn. Và hơn nữa, đối tượng trung tâm của dạy học là học sinh. Giảm tải, cải tiến chương trình, cần đo bằng sự hứng thú, xuất phát từ nhu cầu của con em. Những áp đặt dài hạn chỉ xuất phát từ tư duy quản lý cũ kỹ sẽ không thể tạo ra sự cải tiến sát hợp.

Hình ảnh cụ thể, nhưng mang tính biểu trưng, là chiếc cặp đi học của học sinh được nhẹ bớt và chỉ đựng những gì hữu ích. Những chiếc cặp nặng sẽ vẫn làm oằn gánh lo, như đã từng nặng trĩu.

Vũ Thượng

Tin cùng chuyên mục