Sáng 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Tuy khẳng định kết quả đạt được trong năm 2014 là to lớn, nhưng trong ngày thảo luận thứ 2, những vấn đề: nợ công, sức cạnh tranh còn yếu của nền kinh tế, những khâu đột phá chưa hiệu quả, thất thoát, lãng phí; bảo vệ chủ quyền biển đảo... vẫn là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trăn trở.
Điều chỉnh một số dự án, tiết kiệm 35.000 tỷ đồng
Nhiều ĐB cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phải chi cái cần chi, giảm cái cần giảm, trong đó tiền lương cần phải chi. Và nếu như quản lý tốt, không để thất thoát, lãng phí thì chúng ta đã có tiền để tăng lương thay vì lỗi hẹn 2 năm liền. ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị, để có tiền tăng lương thì cần tiết kiệm chi thường xuyên 10%; cắt giảm các công trình dự án chưa cần thiết; sử dụng một phần vượt thu năm 2014; sử dụng tiền thu hồi từ tài sản tham nhũng... “Nếu chưa thể tăng hết thì tăng cho một nhóm có thu nhập thấp. Cùng với đó phải tinh giản bộ máy thì mới tăng lương được trong tương lai gần”, ĐB Thụy đề xuất.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) bức xúc, tình trạng vượt chi diễn ra ở khắp các ngành, địa phương, cho thấy kỷ luật ngân sách là kém. “Trong tình hình hiện nay, ai vượt chi phải thấy xấu hổ, và ai cho phép vượt chi cũng phải thấy xấu hổ”, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng nói. ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng nêu, rất nhiều công trình thất thoát, lãng phí, xây ra không sử dụng, xây ra rồi để đó xuống cấp... “Nếu giảm được những thất thoát, lãng phí này thì đã đủ tiền để giải quyết việc tăng lương, chi các vấn đề xã hội khác. Bà con cử tri rất sốt ruột”, ĐB Phúc nói. ĐB Nguyễn Văn Phúc dẫn ra câu chuyện Bộ GTVT chỉ điều chỉnh một số dự án, công trình đã tiết kiệm 35.000 tỷ đồng. Trong khi chúng ta đang chỉ cần 40.000 tỷ đồng để tăng lương. Rõ ràng trong thiết kế, dự toán của chúng ta đã rất lãng phí. Chúng ta cứ đi lo tăng thu, nhưng không nghĩ rằng, chỉ cần tiết kiệm như cách Bộ GTVT đã làm thì đã có nhiều tiền để làm việc đó.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lã Anh
Nợ công: Quốc hội cũng phải có trách nhiệm
ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đánh giá, trong khi cả 11 chỉ tiêu về tiêu tiền của giai đoạn 2011 - 2015 đều đạt, 7 chỉ tiêu về sản xuất, làm ra tiền lại không thể hoàn thành. Dẫn số liệu do Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra, rằng tỷ lệ nợ công tăng từ mức 50% năm 2011 lên 64% GDP năm 2015, ĐB nhấn mạnh đã tiêu hết dư địa về nợ công cho 6 năm tới. “Tỷ lệ nợ công 65% GDP là theo chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, mà đến 2015 đã là 64%. Như vậy có phải chúng ta tiêu hết của 6 năm về sau không?”, ĐB nêu câu hỏi. Theo ĐB Nguyễn Đức Kiên, trong bối cảnh sản xuất khó khăn, nếu cứ đưa ra chỉ tiêu tiêu tiền như vậy thì liệu có nuôi được nguồn thu cho ngân sách nhà nước không, hay đó lại là nguyên nhân khiến nợ công, phát hành trái phiếu tăng lên?
Đây cũng là vấn đề nhiều ĐB khác trăn trở. ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhận xét, kỳ họp này, thông tin về nợ công mà Chính phủ cung cấp cho các ĐBQH là rất nhiều. Các giải pháp đưa ra là khá toàn diện. “Quốc hội không chỉ đồng cảm, chia sẻ mà còn chịu trách nhiệm về vấn đề nợ công, vì chính Quốc hội bấm nút thông qua Luật Đầu tư công, thông qua các dự án, công trình có sử dụng ngân sách, vốn vay, vốn huy động… Vì vậy, đó còn là trách nhiệm của Quốc hội cùng Chính phủ gánh vác bài toán nợ công”, ĐB Nguyễn Anh Sơn nói.
Cũng theo ĐB Sơn, nợ công không phải là cao bao nhiêu mà quan trọng là sử dụng vốn đó hiệu quả, tiết kiệm, không để lãng phí, thất thoát, đừng để người dân hàng ngày rất bức xúc nhìn thấy tiền nhà nước chảy vào túi những người tham nhũng.
“Phải tiên trách kỷ hậu trách nhân”
Vấn đề chủ quyền biển đảo được đề cập sâu sắc tại buổi thảo luận hôm qua.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) khẳng định, với công lao lớn nhất thuộc về đồng bào, “cú đấm” giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc đã được chúng ta hóa giải. Thế nhưng vẫn còn đó mối lo về sự lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh một nền kinh tế mạnh, núi liền núi, sông liền sông, đó không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội. Vậy tại sao lại để lệ thuộc, kể cả đến những hàng hóa nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam? “Từ những bài học của tiền nhân, chúng ta phải tiên trách kỷ hậu trách nhân. Nếu ta giao quyền, giao tài sản cho người kém cỏi về năng lực, đạo đức, lại tham lam, chưa mua đã chủ động chào bán, thậm chí chủ động buộc người ta hối lộ như một điều kiện để được làm ăn với mình, như thế làm sao tránh khỏi lệ thuộc, thậm chí mất nước?”, ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu. Từ quan điểm đó, ĐB nhấn mạnh, con người là yếu tố quyết định của mọi giải pháp. Do đó, Đại hội Đảng lần thứ XII phải chú trọng cán bộ lãnh đạo có tài, có đức, yêu nước, có tư duy và khả năng đổi mới, dân chủ, hội nhập. Những người yếu kém, cũ kỹ, không dân chủ, không đổi mới được thì không nên giao chức vụ cao.
|
PHAN THẢO
Giảm bội chi và nợ công
Thu thế nào cho hiệu quả, chi ra sao không thất thoát, lãng phí, nợ công ra sao là những nội dung nóng được nhiều ĐB phân tích, hiến kế khi Quốc hội thảo luận về vấn đề ngân sách ngày 31-10. Cùng với đó, câu chuyện về tăng hay không tăng lương tiếp tục trở thành chủ đề được nhiều ĐB tranh luận, dù trước đó, Chính phủ đề xuất là không tăng lương.
Theo ĐB Đinh Trịnh Hải (Ninh Bình), hiện nay tình trạng buôn lậu, trốn thuế diễn ra phổ biến, ngày càng tinh vi. Việc giãn, giảm thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng đã tạo ra một bộ phận doanh nghiệp cố tình dây dưa. Chỉ trong 8 tháng, số nợ đọng chiếm đến 10% tổng thu ngân sách, trong khi yêu cầu của quản lý thuế là 3% - 5%. Do vậy, theo ĐB, để tăng nguồn thu thì cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, nợ đọng thuế hiện nay.
Liên quan đến chi, theo ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu), cơ cấu chi đang bộc lộ sự bất hợp lý khi tốc độ tăng chi thường xuyên lớn hơn chi đầu tư, cân đối gặp nhiều khó khăn, bội chi cao liên tục nhiều năm, dư nợ công cao dẫn đến nghĩa vụ trả nợ lớn. Chính điều này đã khiến cho nhiều chế độ chính sách như: xây nhà cho người có công, tiền lương... không thực hiện được. Do vậy, thời gian tới, Chính phủ cần thắt chặt, kiên quyết không chi khoản nào bất hợp lý... tiến tới giảm bội chi và nợ công. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị chi thường xuyên năm 2015 cần mạnh dạn cắt giảm 10% (trừ lương).
“Nếu làm vậy thì anh muốn sơ kết, tổng kết, tiếp khách... phải tự tìm nguồn chứ ngân sách không cấp. Cứ mạnh dạn làm, không chết ai”, ĐB Trần Du Lịch nói. ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) chia sẻ, trong một gia đình 90 triệu dân, 63 tỉnh, thành nhưng địa phương nào cuối năm cũng báo cáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tăng trưởng kinh tế cao và liên hoan tổng kết, nhưng khi yêu cầu đóng góp vào ngân sách thì đều kêu khó khăn, hạn hẹp và muốn được hỗ trợ, ưu đãi. Chính vì vậy, đã đến lúc cần thể chế hóa việc thu - chi ngân sách để giữ vững kỷ cương tài chính.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu tại hội trường.
Theo Chính phủ, năm 2015 sẽ không tăng lương do cân đối ngân sách gặp khó khăn, còn thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì lý giải thêm việc chưa tăng lương do bộ máy còn cồng kềnh, năng suất lao động thấp... gây áp lực lên ngân sách. Không đồng tình với việc không tăng lương năm tới, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng những lý lẽ này chưa thuyết phục vì lý do đó không phải lỗi của người lao động là chính. Cân đối khó khăn là thực tế nhưng nguyên nhân cơ bản là điều hành cả thu lẫn chi chưa nghiêm, chưa tốt. Năng suất lao động thấp không phải do lỗi của người lao động mà do trách nhiệm của người sử dụng lao động, của người đứng đầu cơ quan, tổ chức; do phân công, phân cấp nhiệm vụ chưa hợp lý; tuyển dụng chưa công bằng, công khai; cách đánh giá cán bộ còn cào bằng, người giỏi cũng được đãi ngộ như người dở...
“Năng suất lao động thấp của cán bộ, công chức là do người đứng đầu cơ quan, tổ chức bộ máy. Vì vậy tăng lương là việc phải làm. Nếu không sẽ gây tâm lý nặng nề cho cán bộ, đó là chưa coi trọng nguồn nhân lực vì khi ngân sách thiếu thì các khoản khác vẫn được chi đủ mà chỉ cắt lương”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), Trần Đình Long (Đắk Nông) cũng đồng tình và cho rằng cần xem lại chủ trương không tăng lương vì nếu nói rằng chưa tăng lương do bộ máy cồng kềnh là chưa đủ sức thuyết phục vì đó là lỗi của Quốc hội, Chính phủ, không phải người hưởng lương. Hiện một bộ phận cán bộ, công chức gặp khó khăn do lương thấp mà không nâng lương theo lộ trình sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. ĐB Nam cũng đề nghị Chính phủ giải trình rõ khoản không tăng lương 40.000 tỷ đồng được sử dụng vào mục đích nào quan trọng hơn tăng lương? ĐB Trần Du Lịch đề nghị cần phải cải cách tiền lương triệt để cùng với cải cách hành chính.
Ngược với quan điểm tăng lương, một số ĐB khác cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn thì chưa nên tăng lương. Theo ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), đồng ý với quan điểm không tăng lương nhưng Chính phủ phải giải thích kỹ để tạo sự ủng hộ của người dân.
NGỌC QUANG