Gian nan công cụ tìm kiếm Việt

Cạnh tranh được với Google, dù chỉ là thị trường trong nước đã là mục tiêu lớn của các đơn vị làm công cụ tìm kiếm Việt. Chính vì thế, hàng loạt công cụ tìm kiếm trong nước ra đời, như Cóc Cóc (coccoc.com), Sóc bay (socbay.vn)… đã từng thể hiện khát vọng thay thế gã khổng lồ ngoại quốc trên. Gần đây nhất, Cốc Cốc còn tuyên bố sẽ đầu tư 2.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2017 phát triển công cụ tìm kiếm này cũng không nằm ngoài ước mơ thay thế Google. Tuy nhiên, nhìn lại các công cụ tìm kiếm thuần Việt, xem ra công cụ tìm kiếm Việt vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.
Gian nan công cụ tìm kiếm Việt

Cạnh tranh được với Google, dù chỉ là thị trường trong nước đã là mục tiêu lớn của các đơn vị làm công cụ tìm kiếm Việt. Chính vì thế, hàng loạt công cụ tìm kiếm trong nước ra đời, như Cóc Cóc (coccoc.com), Sóc bay (socbay.vn)… đã từng thể hiện khát vọng thay thế gã khổng lồ ngoại quốc trên. Gần đây nhất, Cốc Cốc còn tuyên bố sẽ đầu tư 2.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2017 phát triển công cụ tìm kiếm này cũng không nằm ngoài ước mơ thay thế Google. Tuy nhiên, nhìn lại các công cụ tìm kiếm thuần Việt, xem ra công cụ tìm kiếm Việt vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.

        Tan tành những giấc mơ

Vào tháng 4 vừa qua, trang web tìm kiếm Việt coccoc.com đã chính thức ra mắt với tham vọng đối chọi Google trong lĩnh vực tìm kiếm bằng tiếng Việt. Lý do khiến coccoc.com tin rằng họ sẽ vượt qua được Google giống như Yandex đã vượt qua Google tại Nga, Baidu vượt qua Google tại Trung Quốc, Naver tại Hàn Quốc là bởi họ có nguồn lực tài chính dồi dào và đội ngũ kỹ sư công nghệ đã chiến thắng Google tại những thị trường trên. Thông tin cho thấy, sau khi đã đầu tư 15 triệu USD trong 2 năm qua, dự kiến tới năm 2017, coccoc.com sẽ đầu tư thêm khoảng 100 triệu USD (khoảng 2.000 tỷ đồng) để thực hiện tham vọng của mình tại Việt Nam cũng như một số quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á.

Cốc cốc, Wada hay Xalo đều có giấc mơ thay thế Google.

Cốc cốc, Wada hay Xalo đều có giấc mơ thay thế Google.

Trước đó, tháng 11-2012, một mạng xã hội “ngoại” khác cũng ra mắt - đó là Wada.vn do Công ty cổ phần Mạng tầm nhìn mới (NHI) đến từ Nga giới thiệu. Tại thời điểm ra mắt, NHI tuyên bố đầu tư 200 tỷ đồng vào dự án này và sẽ đầu tư gấp đôi vào những năm tới. Dù vậy, những tháng gần đây, chẳng nghe ai nói đến Wada.

Giấc mơ công cụ tìm kiếm Việt không chỉ “mơ” nhiều trong thời gian gần đây mà trước đây, khi internet Việt Nam bùng nổ đã có nhiều công cụ tìm kiếm Việt ra đời muốn thế chỗ Google. Có thể kể đến trang web Timnhanh.com của Công ty cổ phần Mạng trực tuyến Việt Nam (VON), đơn vị khơi mào trào lưu tìm kiếm ở Việt Nam vào năm 2006 và từng được quỹ DFJ Vinacapital đầu tư 2 triệu USD. Đến nay Timnhanh.com đã lặng lẽ rút khỏi thị trường web tìm kiếm và hoạt động giống như một cổng tổng hợp thông tin từ báo chí. Còn phải kể đến Xalo.vn và Socbay.com cũng là hai gương mặt đình đám trong trào lưu làm công cụ tìm kiếm Việt vào năm 2008. Tại thời điểm đó, đại diện Tinh Vân đã công bố chi 2 triệu USD cho bản thử nghiệm công cụ tìm kiếm xalo.vn để cạnh tranh với Google. Nhưng hiện giờ, trong khi xalo.vn không còn duy trì dịch vụ tìm kiếm web chung và trở thành cổng thông tin điện tử, game, từ điển trực tuyến còn Socbay chỉ có một số dịch vụ tìm kiếm chuyên biệt gồm tìm kiếm tin tức, nhạc và từ điển.

Có giấc mơ đã tan tành, có giấc mơ đang thăng hoa. Hiện Cốc Cốc đang thăng hoa nên giới công nghệ cũng đang chờ xem giấc mơ có thành hiện thực, hay cũng chỉ là những tuyên bố hùng hồn ban đầu nhằm lấy tiếng. Nhưng dù gì những bài học vẫn còn đó…

        Quan trọng là công nghệ

Với giới công nghệ, không chỉ ở Việt Nam mà bất kỳ quốc gia nào, tất cả các công ty nội địa đều muốn xây dựng cho mình công cụ tìm kiếm riêng với các tiêu chí: đáp ứng tốt hơn công nghệ xử lý ngôn ngữ địa phương, tối ưu hóa kết quả tìm kiếm dựa trên độ liên quan dữ liệu và văn hóa sử dụng internet bản địa. Nhưng thực tế thế giới công nghệ cho thấy với sự bùng nổ của Google về độ lớn dữ liệu, cải tiến thuật toán thông minh, tối ưu hóa thói quen và văn hóa sử dụng internet của người dùng và đồng thời nghiên cứu cả đặc trưng bản địa thì không có nhiều lựa chọn cho các công ty tìm kiếm còn lại. Có thể thấy Microsoft với công cụ tìm kiếm Bing là một minh chứng cho việc xây dựng bộ máy tìm kiếm tiếng Việt không đủ nếu chỉ có tiền.

Theo một vị phó tổng giám đốc từng làm công cụ tìm kiếm Việt, với các công ty Việt Nam, khi làm các bài toán tìm kiếm thường có hai hy vọng: hy vọng về lợi thế bản địa bao gồm ngôn ngữ, dữ liệu chuyên biệt để xây dựng các công cụ tìm kiếm theo chiều dọc như nhạc, tin tức, truyện… và chính sách; hy vọng vào chính sách chặn Google hoặc gây khó dễ cho Google như Trung Quốc. Cả hai niềm hy vọng này đều khó thành hiện thực. Đầu tiên, những tính bản địa này Google có thể làm ngay được. Cụ thể, các kết quả tìm kiếm, thói quen sử dụng tìm kiếm của Việt Nam, các nhận dạng về ngôn ngữ của Google ngày càng chính xác và đáp ứng 90% nhu cầu tìm kiếm của người Việt. Còn về chính sách, chúng ta chưa thể làm được. Thứ nhất để làm được phải có một công cụ ít ra cũng đáp ứng được 60% - 70% nhu cầu tìm kiếm tiếng Việt để thay thế; thứ hai phải có một chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ mà không vi phạm các hiệp ước quốc tế về internet…

Bài học cho công cụ tìm kiếm Việt không chỉ có vậy. Đầu tư trong công cụ tìm kiếm thì then chốt nằm ở công nghệ chứ không phải tiền bạc. Đó là công nghệ tìm kiếm nói chung, công nghệ xử lý ngôn ngữ nói riêng và hàng tỷ các giải thuật khác liên quan… Cũng giống như các đề tài khoa học, tên đề tài có thể chung, nhưng kết quả thu được là hoàn toàn khác nhau và nguyên tắc là chỉ sử dụng kết quả tốt nhất. Đây chính là điều mà các công ty theo đuổi tìm kiếm gặp nhiều khó khăn và thiếu “lõi” để có thể chiến đấu lại Google. Cơ hội còn lại cho các công cụ tìm kiếm Việt Nam chỉ là thị phần “ngách” có lợi thế như nhạc, địa điểm, thương mại điện tử hay xây dựng các công cụ tìm kiếm nội bộ (customize search). Đây là những lĩnh vực liên quan tới bản quyền, thông tin bản địa và thanh toán bản địa, cũng là cơ hội cuối cùng cho các công cụ tìm kiếm Việt Nam.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục