Hành trình mua vé tàu tết những ngày qua không hề dễ với người mua. Sau khi truy cập trang web gặp khó, họ chuyển sang đi mua trực tiếp tại ga, nhưng vẫn không được. Nhiều người đặt vấn đề: sao khó thế, lượng vé nhà ga tung ra rất nhiều, nhưng không mua được, vì sao?
Đặt vé qua mạng... hên xui
Hành khách bức xúc vì không tài nào vào mạng được làm sao mà mua vé. Năm nào cũng thế, ngành đường sắt cho rằng năm nay đã nâng cấp dung lượng server, đường truyền nhưng đến giờ mở mạng là bị nghẽn. Website bán vé tàu lại kẹt ngay những phút đầu tiên...
Hành khách mua vé tàu tết đa phần là người lao động sống hoặc làm việc xa nhà, ai cũng mong muốn ngày tết được trở về sum họp với người thân sau bao ngày lam lũ xa quê. Hành trình về quê năm nào cũng khốn đốn chuyện vé tàu. Nhiều người phải xin nghỉ làm, tạo tài khoản sẵn từ nhiều đêm trước, thậm chí nhiều người thức suốt đêm vì sợ… ngủ quên, để sáng ra vào mạng từ sớm.
Thế nhưng việc truy cập vào website đặt chỗ vé tàu rất khó khăn, mạng thường xuyên bị đứng. Không ít trường hợp sau khi đăng nhập vào được hệ thống, chọn được chỗ nhưng đến thao tác cuối cùng để đặt chỗ thì hệ thống tự động thoát ra và yêu cầu nhập lại mật khẩu hoặc xuất hiện dòng chữ “chỗ đang bị chiếm dụng”. Kết quả thật… hên xui.
Năm nay, theo thông báo của ngành đường sắt thì “mọi công tác chuẩn bị cho việc bán vé qua mạng đã sẵn sàng”. Nhưng thực tế, vẫn “bình cũ rượu cũ” khi thủ phạm là mạng liên tục nghẽn, hoặc nếu có may mắn truy cập được thao tác đầu, rồi toát mồ hôi chờ đợi để rồi nhận kết quả “hết chỗ”. Một khi người dân không mua được vé qua mạng buộc họ phải tìm mua vé qua cò.
Tại sao năm nào cũng lặp đi lặp lại tình trạng nghẽn mạng? Nhiều chuyên gia về công nghệ thông tin cho rằng do nhiều người cùng một lúc chọn một chỗ trên mạng, do đó hành khách nào may mắn thì đặt được chỗ. Hành khách may mắn đó là người đang sử dụng máy tại nơi có đường truyền mạnh, còn những hành khách sử dụng máy có đường truyền yếu hoặc những người làm việc trong cơ quan đơn vị có cài đặt phần mềm phòng chống tấn công để giám sát thông tin ra vào thì có thể một vài chức năng xử lý của hệ thống http://www.vetau.com.vn/ sẽ bị ngăn chặn, do đó không thể đặt được vé.
Vào thời điểm hệ thống mở để bán vé số lượng người truy cập đồng thời rất lớn nên nhiều hành khách phải đợi người thao tác đặt chỗ xong thoát ra ngoài mới có chỗ trống để chen vào đặt. Hoặc một số khách hàng thao tác chậm (hơn 15 phút) sẽ tự động bị đẩy ra ngoài.
Năng lực bán vé có vấn đề?
Tổng công ty Vận tải hành khách cho rằng khi vào trang vetau.com.vn để đặt chỗ, hành khách cần để ý thông tin chuyến tàu và thông tin chi tiết. Nếu thấy tại bảng thông tin chuyến tàu số lượng chỗ trống và số lượng giao dịch đông, hành khách nên chọn chỗ nào trống có số lượng giao dịch ít thì xác suất đặt chỗ thành công sẽ cao hơn. Hành khách đi các tuyến ngắn không nên chọn tàu nhanh như SE vì số chỗ dành cho các tuyến ngắn rất ít, chỉ ưu tiên tuyến dài từ Sài Gòn đến Hà Nội. Ngoài ra, hành khách nên chọn đi vào các ngày không trùng đợt cao điểm.
Theo lý giải của Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, sau thời điểm mở hệ thống đặt chỗ vé tàu trên mạng vài phút, số lượng người truy cập đặt chỗ lên đến 60.000 lượt người (số lượng truy cập được hệ thống máy chủ lưu lại, chưa kể có hàng triệu người truy cập vào thời điểm này) khiến hệ thống quá tải là không tránh khỏi. Tình trạng nghẽn mạng chỉ xảy ra vào thời điểm bắt đầu bán vé, thời gian còn lại mọi việc vẫn diễn ra bình thường.
Hàng triệu hành khách đi lại trong 7 ngày cao điểm tết nhưng ga Sài Gòn chỉ đáp ứng tối đa khoảng 100 ngàn ghế. Một mình ngành đường sắt không thể nào đáp ứng được hết nhu cầu đi lại của người dân, trong khi năng lực vận chuyển hết mức cũng chỉ với con số trên. Ngoài ra, công ty cũng không thể bỏ ra cả triệu USD để đầu tư vào hệ thống mạng chỉ để phục vụ 1 tuần rồi sau đó “trùm mền”.
Năm nào chuyện mua vé cũng không như mong đợi của người dân về quê đón tết. Có một vấn đề cần suy ngẫm, số lượng hành khách đi lại trong dịp tết hàng năm được Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn xác định được, số lượng chuyến tàu theo kế hoạch, số toa tàu, số ghế cũng có, nhưng tại sao để gần tháng tết mới bán dồn cục? Tại sao ngành hàng không có kế hoạch bán trước vé máy bay đi lại trong dịp tết trước vài tháng, qua hệ thống điện tử khá dễ dàng, ngành đường sắt không làm được?
Do vậy, việc bán vé tàu tết phải được mổ xẻ, làm rõ. Có cần thiết hay không, việc huy động các nhà tin học phân tích, tìm giải pháp giúp ngành đường sắt cải tiến, làm tốt hơn việc bán vé qua mạng, cần công khai, làm rõ số lượng vé tung ra bán, qua hệ thống kiểm soát điện tử một cách công khai.
Và nên chăng, xây dựng hệ thống đại lý chính thức (qua công ty dịch vụ vé tàu của ngành đường sắt) để đưa vé tàu đến tay người mua, tránh tình trạng gần như độc quyền mà ga Sài Gòn đang làm.
QUỐC HÙNG - HÀ VŨ