Gian nan sinh viên thực tập

Gian nan sinh viên thực tập

Cuối mỗi khóa học, hầu hết sinh viên (SV) đều phải trải qua một kỳ thực tập. Tuy nhiên, tìm được chỗ thực tập đúng như mong muốn không phải là chuyện đơn giản. Hơn nữa, môi trường thực tập hiện nay chưa thực sự là cầu nối để SV dễ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp…

Nỗi niềm SV thực tập

Từ sau tết đến nay, Nguyễn Đình K., SV ngành CNTT (ĐH Giao thông Vận tải) đã chạy đôn chạy đáo để tìm nơi thực tập phù hợp. Cuối cùng K. cũng được một công ty chuyên về CNTT nhận vào thực tập. Tuy nhiên, khi được hỏi về hiệu quả của đợt thực tập, K. thở dài: “Điểm thì cao thật nhưng kiến thức và những trải nghiệm thực tế lại chẳng bao nhiêu”. K. cho biết, khi vào thực tập mới biết không đúng chuyên ngành của mình. “Chuyên ngành học của mình là viết phần mềm, thiết kế, đồ họa nhưng công ty chủ yếu kinh doanh phần cứng máy tính. Bởi vậy nên ngay từ buổi đầu tiên đến thực tập, em đã nhận nhiệm vụ đi áp tải hàng và lắp ráp máy tính cho một đơn vị ở ngoại thành. Những ngày tiếp theo, hôm nào có việc thì công ty gọi lên đi giao máy tính, còn không thì ở nhà chơi”, K. cho hay.

Sinh viên Trường Công nghệ Kỹ thuật TPHCM trong giờ thực hành tại trường.

Sinh viên Trường Công nghệ Kỹ thuật TPHCM trong giờ thực hành tại trường.

Riêng Cao Thị H., SV ngành quản trị du lịch - khách sạn, không khó để tìm nơi thực tập vì rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp đón nhận. H. là một trong số 5 SV được một khách sạn có tiếng ở quận 1 nhận về thực tập ở bộ phận nhà hàng, tiệc cưới. “Công việc phải làm theo ca, nhiệm vụ là bưng bê thức ăn cho khách không khác gì nhân viên của nhà hàng. Khác chăng là nhân viên có lương và được nhận tiền “típ” còn tụi em thì không. Nói thật, nếu không là SV thực tập, với công việc này tụi em đi làm thêm kiếm không dưới 100.000 đồng/ca” - H. trần tình. Cùng cảnh ngộ, nhóm của Đ.Ng. (SV ngành xây dựng) thực tập tại chi nhánh một tổng công ty xây dựng tại TPHCM cho biết, phải làm đủ thứ, từ trộn hồ, vác gạch đến xây trát… nhưng chỉ làm không công.

Còn theo H., SV ngành kế toán một trường cao đẳng, đây là ngành có đông SV theo học và liên quan đến vấn đề bảo mật nên khó tìm chỗ thực tập. Qua quen biết, cuối cùng H. cũng tìm được nơi thực tập. “Những tưởng kỳ thực tập phần nào giúp SV tự tin hơn khi ra trường, vậy mà ngay ngày đầu đến trình diện ở phòng kế toán, em được người hướng dẫn thông báo cứ ở nhà. Đợi gần hết đợt thực tập, anh ấy nói sẽ đưa cho em số liệu về làm báo cáo. Nếu cần thiết, sẽ cho luôn báo cáo của mấy SV khóa trước về tham khảo…” - H. kể.

Thời gian “thử việc”

Dù đã trải qua thời gian thực tập, nhưng khi ra trường, đi làm, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại SV - làm mất thời gian và chi phí cho cả hai bên. SV đi thực tập hầu hết mang tính “hình thức” với tư tưởng chủ yếu là kiếm đủ điểm để tốt nghiệp mà hầu như không tham gia làm việc, trải nghiệm thật sự. Nguyên nhân một phần là do SV có thời gian thực tập rất ngắn hoặc vì doanh nghiệp ngại mất thời gian hướng dẫn, điều chỉnh khi SV làm sai. Mặt khác, SV thực tập cũng chưa chứng minh được năng lực của mình để tạo lòng tin nơi doanh nghiệp.

Theo chương trình thực tập hiện nay, các trường ĐH, CĐ khuyến khích SV tự tìm nơi thực tập. Chỉ khi nào SV không liên hệ được, nhà trường mới bố trí nơi thực tập dựa trên các mối quan hệ, hợp tác giữa trường với doanh nghiệp. Điều này nhằm giúp SV chủ động trong công việc, tạo mối quan hệ với doanh nghiệp - yếu tố quan trọng để có thể được tuyển dụng khi ra trường. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít SV xin được thực tập tại chỗ người quen chỉ để xin bản xác nhận thực tập tốt nộp nhà trường.

Nhiều doanh nghiệp cũng nhìn nhận là chưa mặn mà tiếp nhận SV thực tập. Bởi lẽ, nhiều SV vừa đến công ty đã đòi xin số liệu, đòi được trực tiếp làm việc, trong khi đối với nhân viên mới của công ty cũng phải làm quen một thời gian. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn xem chuyện nhận SV vào thực tập là một gánh nặng. Không ít SV và doanh nghiệp luôn trong tư tưởng đi thực tập là làm việc vặt và đến chỗ thực tập là chờ nhận việc vặt để làm. Ông Nguyễn Tử Anh, Giám đốc đào tạo và phát triển nhân sự Tập đoàn Hoa Sen, cho biết, doanh nghiệp này thường xuyên nhận SV thực tập và hợp tác với các trường để chọn các ngành mình đang cần. SV vào thực tập cũng là nguồn để doanh nghiệp phát hiện và tuyển dụng. Tuy nhiên, điều quyết định chất lượng đợt thực tập vẫn phụ thuộc vào ý thức và thái độ học tập của SV. SV đi thực tập với tinh thần nhiệt tình, hăng hái, thậm chí phản biện một số vấn đề rất thú vị.

“Thực tập là thời gian SV tiếp xúc một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đây là thời điểm để SV vận dụng các kiến thức được học ở trường lớp để khẳng định mình. Đây cũng là thử thách ban đầu và giúp SV tạo dựng cho mình những kinh nghiệm làm việc. Chính vì vậy mà cả doanh nghiệp, nhà trường và SV cần coi đây là thời gian thử việc để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực”, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, bày tỏ.

HỒ THU

Tin cùng chuyên mục