Giáo dục kiểu Australia

Giáo dục kiểu Australia

Sáng 7 giờ 30 ra khỏi giường, vệ sinh cá nhân trong vòng 15 phút, không cần người lớn phải thúc giục. 7 giờ 45 ăn sáng. 8 giờ 5 ăn xong bữa sáng và tự sắp đồ ăn nhẹ. Bữa ăn trưa do bà hoặc mẹ đã chuẩn bị và bình nước để mang đến trường. 8 giờ 20 đi học. Một ngày trong tuần của cậu học sinh lớp 4 Trung Kiên được diễn ra như vậy.

Giờ học ở Australia bắt đầu muộn hơn nhiều so với ở Việt Nam. 8 giờ 45 các bé vào lớp và học đến 15 giờ. Không ngủ trưa, chỉ có thời gian ngắn cho bữa ăn phụ và bữa trưa. Khoảng thời gian chính trên lớp dành cho việc học viết, đọc, toán và chuyên đề. Bốn môn này ngày nào cũng học để phát triển các kỹ năng đọc viết, tính toán và hiểu biết xã hội cho các bé. Môn chuyên đề là môn Trung Kiên và nhiều bạn học thích thú. Mỗi tuần, các bé được học một chủ đề rất thực tế và có tính giáo dục cao (ví dụ như côn trùng, mẹ thiên nhiên, sự tuyệt chủng của các loài, phân loại rác thải…).

Trung Kiên (trái) cùng các bạn học

Ở mỗi chủ đề, nhà trường đều chuẩn bị rất nhiều sách và truyện liên quan để các bé tự đọc và thảo luận theo nhóm. Hàng tuần, theo chủ đề cô giáo sẽ đặt rất nhiều cuốn sách khác nhau trong các hộp ở trên lớp để các bé lựa chọn. Bé nào thích đọc truyện sẽ chọn những cuốn viết dưới dạng truyện tranh đọc. Bé nào thích đọc sách nghiên cứu sẽ đọc những cuốn viết dưới dạng khoa học cho trẻ em… Cách học nhẹ nhàng, đánh vào sở thích nên kiến thức “ngấm” một cách tự nhiên, giúp các bé nhớ lâu và từ đó tạo ý thức, nếp sống cho các em. Có lần, bạn của bố mẹ đến nhà chơi, bàn về bữa tiệc nướng với những món thịt hấp dẫn, Trung Kiên mếu máo: Mọi người đang giết “mẹ” thiên nhiên rồi!

Để tạo thói quen đọc sách và nâng cao khả năng đọc hiểu cho các bé, nhà trường quy định mỗi ngày các bé phải đọc ít nhất 1 giờ (40 phút trên lớp và 20 phút ở nhà). Đọc bất cứ sách nào các bé thích và phù hợp với lứa tuổi. Cuối mỗi buổi học, các bé đều được mang về một cuốn truyện để buổi tối đọc ở nhà và một cuốn nhật ký đọc để bố mẹ ký xác nhận là con đã đọc đủ thời gian quy định. Cách dạy này được duy trì rất đều đặn từ lớp mẫu giáo lớn nên hầu hết các bé đều có thói quen đọc sách và rất thích đọc sách. Đối với kỹ năng viết, ngay từ khi học lớp một, các bé đã được hướng dẫn cách viết các dạng văn nghị luận và làm thơ. Các dạng văn viết này được dạy đi dạy lại ở các mức độ khác nhau tùy theo lứa tuổi.

Đối với môn toán, hàng ngày các bé đều có bài tập về nhà, nhưng khối lượng không nhiều và hình thức giao bài cũng rất “công nghệ”. Nhà trường có một chương trình luyện toán online và cung cấp password cho các bé. Các bé đăng nhập và làm bài tập trên mạng. Cô giáo sẽ kiểm tra việc học tập qua trang web này. Việc học giống như chơi game vậy. Học mà chơi nên các bé đều rất thích thú. Bên cạnh việc phát triển các kỹ năng cơ bản cho các bé, nhà trường còn dạy rất nhiều môn nhằm phát triển các khả năng đặc biệt cho trẻ như ngoại ngữ, nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, nhảy), giáo dục thể chất...

Điều bố mẹ hài lòng nhất là ở Australia bé Trung Kiên không phải học thêm mà thay vào đó là tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa như tham quan các địa danh trong thành phố theo từng chủ đề học; giao lưu giữa các khối, lớp cùng học hỏi về tình yêu thương, chia sẻ… Ngoài truyền đạt kiến thức, trường học ở Australia còn chú trọng giáo dục nhân cách cho học sinh; rèn cho các em ý thức tự giác, độc lập, không ỷ lại từ mẫu giáo. Độc lập trong tư duy cũng được chú trọng. Các thầy cô luôn khuyến khích học sinh suy nghĩ độc lập, tự tin trình bày suy nghĩ của mình; khích lệ các bé tìm tòi, sáng tạo. Ngay cả trong gia đình, dù là thành viên nhỏ tuổi, Trung Kiên cũng luôn có “chính kiến” riêng, đôi khi rất trẻ con nhưng nhiều lúc khiến bố mẹ giật mình nhìn lại và tự điều chỉnh mình.

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục