Tháng 6-2014, UBND TPHCM đã có Quyết định số 21 về quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT) trên địa bàn TPHCM. Trong đó, nêu rõ trường hợp giáo viên dạy kèm cho học sinh theo yêu cầu của cha mẹ học sinh được miễn cấp giấy phép dạy thêm, nhưng phải báo cáo bằng văn bản với thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó, đồng thời phải báo cáo và cam kết với UBND phường, xã, thị trấn nơi đặt điểm dạy kèm thực hiện đúng các quy định về DTHT ngoài nhà trường, có trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy kèm.
Đây được xem là một trong những cách làm hợp tình hợp lý, trung hòa được yêu cầu quản lý nhà nước với nhu cầu giảng dạy và học thêm quá lớn trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên ngay sau đó, quy định này đã bị Bộ GD-ĐT “tuýt còi” do không phù hợp với tinh thần của Thông tư 17 (ban hành ngày 16-5-2012) của Bộ GD-ĐT về quy định quản lý DTHT trong cả nước.
Theo đó, mọi hoạt động DTHT có thu tiền của người học, dù lớp học chỉ có quy mô 1 - 2 học viên (trước đây hình thức này thường được gọi là dạy kèm tại nhà) cũng phải xin giấy phép. Quy định này đã nhận nhiều phản ứng trái chiều của dư luận xã hội.
Phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3 bày tỏ, nếu chỉ với lý do “quản không được thì cấm” thì quy định sẽ tạo ra bất mãn rất lớn trong tâm lý giáo viên. Nhu cầu học thêm của học sinh là có thật, nhưng lại không cho phép các thầy cô giảng dạy.
Hoạt động nào cũng có 2 mặt tích cực và tiêu cực, vì sao cứ gán cho DTHT màu sắc tiêu cực và qua đó vô hình trung đã triệt tiêu mặt tích cực của nó. Giải thích rõ hơn điều này, một cán bộ quản lý Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức cho biết, giáo viên hiện nay tổ chức dạy thêm tại nhà rất nhiều, nhưng vì sao đưa bảng kê khai cho 10 người dạy thì chỉ có 2 người thành thật khai báo?
Vị này lý giải: “Quy định không cho phép giáo viên trực tiếp đứng ra tổ chức cơ sở dạy thêm mà chỉ được tham gia hoạt động với tư cách người giảng dạy. Nhưng có những địa bàn, như phường Linh Trung hiện nay, chưa có cơ sở tổ chức DTHT đang hoạt động, vậy làm sao giáo viên dám cởi mở khai báo nhu cầu giảng dạy của mình?”.
Ngoài ra, theo nhiều lãnh đạo trường học, giáo viên vốn là nghề được cả xã hội tôn trọng và trân quý. Bản thân mỗi người đều có lòng tự trọng nghề nghiệp, vì lòng yêu nghề, vì đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh, vì gánh nặng cơm áo, khi buộc họ vào những quy định “xin”, “cấm” khiến nhiều người cảm thấy lòng tin nghề nghiệp bị xem nhẹ. Chưa kể quy định “siết” là vậy nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý?
Trưởng phòng GD-ĐT một quận vùng ven TPHCM khẳng định, hiện nay chưa có bất cứ quy định nào về nhân sự cho đội ngũ làm công tác kiểm tra hoạt động DTHT ở các địa phương.
“Trách nhiệm chỉ có trên văn bản nhưng ai sẽ trực tiếp làm, công việc cụ thể ra sao, phụ cấp hỗ trợ cho người làm công tác kiêm nhiệm này (chủ yếu phải làm ngoài giờ do đặc thù công việc - PV) như thế nào, đều chưa được cơ quan quản lý đề cập đến”.
Bất cập đó dẫn đến tình trạng hiện nay có nơi địa phương quản lý nghiêm, có nơi buông lỏng vì thiếu công cụ, bộ máy và cả… động cơ để thực hiện.
Qua đó cho thấy bài toán quản lý DTHT như thế nào vẫn là câu hỏi khó. Một khi yêu cầu về mặt quản lý nhà nước không song hành cùng lộ trình với những quy định trách nhiệm, phúc lợi cụ thể thì “quản lý chỉ mang tính cho vui”.
Do đó, theo kiến nghị chung của nhiều địa phương, Bộ GD-ĐT không nên ôm đồm nữa mà nên mạnh dạn giao quyền tự chủ cho các địa phương, dựa trên đặc thù riêng của từng nơi để có những quy định quản lý phù hợp. Làm sao để hoạt động này vừa giải quyết được nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh, vừa đưa được vào khuôn khổ, có giám sát và quản lý chặt chẽ là trách nhiệm của các sở GD-ĐT.
Trường hợp thiếu các công cụ pháp lý, sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành thêm các chính sách phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.
Tiếc là sự mạnh dạn, tự chủ vẫn còn quá ít trong lĩnh vực giáo dục!