

Tại thủ đô Dublin đang phát triển của đất nước Ireland, nạn kẹt xe bùng nổ khi số xe ô tô tăng vọt gấp đôi trong vòng 15 năm qua. Điều khiến những người như nhà thiết kế mẫu vải Rachel O’Connell, 40 tuổi, rất lo lắng về hiện tượng trái đất nóng dần lên mà một phần là do khí thải từ các chiếc xe ô tô.
Người phụ nữ này là một trong số ít người không thích đi đâu cũng sử dụng xe 4 bánh. Vấn đề ở chỗ bà không có được phương tiện di chuyển nào khác: không có những tuyến xe lửa đến các vùng ngoại ô mới mở, nơi hàng trăm ngàn dân Dublin đang sống và rất ít xe buýt đến các khu ấy với đầy khách trên xe. Hầu như ai cũng lái xe đi làm, mua sắm, đưa con đến trường trong tình cảnh phải sẵn sàng chấp nhận ngửi khói vì kẹt xe.
Cứ lễ là kẹt xe
Hậu quả là nạn kẹt xe xảy ra thường xuyên ở Dublin. Trong hai năm qua, thành phố phải xây hai tuyến xe lửa hạng nhẹ để giảm lượng xe hơi lưu thông. Và trong các ngày nghỉ lễ, cảnh sát giao thông phải tăng ca để điều hành giao thông trên mọi con đường thủ đô. Nhưng tình hình chẳng được cải thiện nhiều. Người muốn sử dụng xe buýt đi làm thì phải ráng dậy sớm đón xe, vì nếu không rời nhà từ 7g30 thì không đón được xe ráng chịu: xe buýt đầy khách từ trước và không ghé vào các trạm nữa.
Nhưng chẳng riêng Ireland, khí thải từ xe đang ngày càng tăng ở hầu hết các nước khác tại châu Âu và thế giới. Do tình hình sử dụng xe con, xe tải ngày càng tăng, hiệu ứng nhà kính cũng tăng theo, ngay tại những nơi mà sự ô nhiễm công nghiệp đã giảm nhờ có những quy định, biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Theo một nghiên cứu của Ủy ban môi trường châu Âu, mức khí thải từ xe tại châu Âu từ 1999 đến 2003 đã tăng 23%, bất chấp sự phát minh những loại xe và nhiên liệu thân thiện với môi trường. Hoạt động giao thông cũng tạo ra hơn 1/5 lượng khí thải nhà kính ở châu Âu, nơi mà vấn nạn này được nghiên cứu rất kỹ và cũng là nơi lượng khí thải thoát ra nhiều nhất từ những chiếc xe hơi.
“Xích lô đạp” ở Copenhagen
Ngược lại, rất ít quốc gia áp dụng những hình thức phòng chống khí thải tích cực, chẳng hạn tăng thuế để giảm mới sự cám dỗ của việc lái xe. Ví dụ Đan Mạch xem xe ô tô là một phương tiện xa xỉ tương tự những chiếc du thuyền, nên thuế đánh trên xe mua có khi cao hơn trị giá chiếc xe khoảng 2 lần. Một chiếc Skoda loại thường có giá 14.000euro (18.100USD) ở Italia hoặc Thụy Điển nhưng ở Đan Mạch là 26.000euro. Các chuyên gia nói đánh thuế lên số xăng đổ vào xe cũng có hiệu quả trong việc giảm sự quá tải của hệ thống giao thông, nhưng vì ngại cử tri ta thán nên chưa có chính khách nào đề nghị hướng này.
Tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, lệ phí đậu xe gần đây tăng gấp đôi lên 3, 50 euro/giờ, một phần cũng vì rất hiếm bãi đậu xe. Vì thế, cư dân Copenhagen nay dần chuyển qua sử dụng xe đạp, do địa hình bằng phẳng và có những tuyến đường dành riêng cho người đi xe đạp. Họ cũng “sáng tạo” bằng cách đóng thêm một thùng xe hai bánh gắn trước xe đạp - trở thành xe xích-lô đạp - để đưa con đến trường, đi chợ và đi làm. Họ chọn cách “không sống chung với xe hơi nữa”, đi xe đạp hoặc xe điện ngầm dễ hơn, không tốn nhiều tiền như khi sử dụng xe hơi.
Các thành phố khác cũng có những biện pháp kêu gọi sự hy sinh của người khoái lái xe hơi. Ví dụ Roma (Italia) chỉ cho phép số xe có lượng khí thải thấp đi vào khu trung tâm vốn nhiều di tích lịch sử. Tại London (Anh) và Stockholm (Thụy Điển), chủ xe hơi phải nộp một loại phí chống kẹt xe để vào khu trung tâm. Các biện pháp này đều giúp giảm kẹt xe và giảm ô nhiễm, nhưng các chuyên gia chưa thể bảo đảm về tác động chung của chúng, nhưng đó là dẫn chứng để gợi ý nên có kế hoạch chỉ sử dụng xe hơi các vùng ngoại ô.
Anh Thao (Theo New york times)