Sau một thời gian ổn định, tình hình trật tự an toàn giao thông tại TPHCM đang có chiều hướng xấu đi, khi việc đi lại của người dân ngày càng khó khăn.
Chỗ nào cũng ùn ứ
Hàng ngàn người dân mỗi ngày lưu thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam TPHCM vào giờ cao điểm (khoảng 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều), đoạn từ đường Phạm Hùng đổ về cầu Chánh Hưng, Nguyễn Tri Phương (quận 5) không lạ gì tình trạng kẹt cứng, xe và người phải nhích từng chút một. Đây là tuyến đường đã được TPHCM tăng cường mở rộng, nâng cấp và xây mới nhiều cây cầu bắc ngang các dòng kênh, đồng thời thường xuyên có lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), thanh niên xung phong đứng chốt điều tiết, hướng dẫn xe lưu thông; nhưng nhìn chung áp lực giao thông đè lên khu vực này vẫn không giảm. Chưa kể, đèn tín hiệu giao thông trên tuyến đường này đặt dưới chân cầu, mặc dù cầu có độ dốc rất lớn. Nhiều người dân chạy xe gắn máy lưu thông trên cầu Chánh Hưng (đoạn hướng về quận 5) đã phải phanh gấp khi đang đổ dốc xuống chân cầu khi đèn giao thông chuyển sang màu đỏ. Một số xe phía sau không lường trước được tình hình phía trước đã vô tình húc phải xe bên cạnh, tạo những cú va chạm liên hoàn. Mặc dù không gây thương tích, nhưng cũng khiến người tham gia giao thông bị một phen thót tim.
Vào giờ cao điểm, nhiều tuyến đường tại TPHCM bị ùn ứ giao thông. Ảnh: GIAO THÔNG
Ghi nhận vào giờ tan tầm, khoảng 5 giờ kém 15 đến 5 giờ 30 chiều mỗi ngày, dòng xe cộ lưu thông tại nút giao thông Phổ Quang - Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) hầu như đông nghẹt. Người dân có cảm giác “bơi” trong biển người, biển xe. Vào các buổi tối, trải dài từ đầu đường Phổ Quang (quận Tân Bình) tới công viên Gia Định, dòng xe (ô tô, xe gắn máy…) rồng rắn nối đuôi nhau đổ về hướng quận Gò Vấp. Phần đông người dân lưu thông cẩn trọng, nhẫn nại nhích từng chút một, nhưng cũng có những người thiếu ý thức, tranh phần đường, lấn tuyến vượt ẩu với dòng xe lưu thông hướng ngược lại, nhất là đoạn chạy qua Trường Đại học Mở TPHCM, khiến cho tình hình giao thông trở nên hỗn loạn. Chị Nguyễn Thị Ái, sinh viên Trường Đại học Mở TP chia sẻ: “Mỗi lần rẽ làn đường để vào cổng trường tôi đều run bắn người. Vì khúc cua này hơi gấp và thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm, tình trạng lấn tuyến vượt ẩu rất hay xảy ra; do vậy dễ xảy ra va chạm gây tai nạn”.
Tương tự, tuyến đường Trường Chinh (quận Tân Bình), đoạn giao cắt với đường Âu Cơ, Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình)… cũng thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ vào giờ cao điểm, dù lực lượng CSGT tại đây gắng sức luân phiên nhau điều tiết, phân luồng. Không hiếm lần, người viết trực tiếp chứng kiến những tay lái xe gắn máy trẻ tuổi chặn đầu xe buýt để vượt đường, lấn tuyến vô cùng nguy hiểm. Điều này trở thành nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông. Đáng chú ý, trong số các điểm “nóng” này, góc ngã tư Bà Quẹo, đoạn đường Trường Chinh phía trước siêu thị BigC Pandora thường có mật độ lưu thông dày đặc, thậm chí hỗn loạn. Chị Nguyễn Thị Ngọc (ngụ tại đường Phan Văn Hớn, quận 12), vừa thoát khỏi cảnh kẹt xe tại ngã tư Bảy Hiền, mặt còn nhễ nhại mồ hôi, cho hay: “Nếu đường thông thoáng, từ ngã tư Bảy Hiền về tới nhà tôi chỉ mất khoảng 12-13 phút chạy xe. Thế nhưng, vào giờ cao điểm, tôi mất cả 30 phút nhưng vẫn không cách nào thoát khỏi đoạn ngã tư Bảy Hiền - Trường Chinh”.
Thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng/năm
Thời gian qua, TP thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị, tham luận về việc giảm thiểu tình trạng kẹt xe trên địa bàn. Hàng loạt ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành chuyên về giao thông… đã tích cực hiến kế, đưa ra các dẫn chứng thuyết phục nhằm giảm thiểu vấn nạn này. Thế nhưng, đến nay, giao thông tại các tuyến đường, cửa ngõ ra vào TP vẫn bị ùn ứ, kẹt xe liên miên. Trên thực tế, không thể phủ nhận sự tích cực của TP trong việc mở rộng các làn đường, xây cầu vượt tại các điểm nghẽn về giao thông trên toàn TP. Nhưng, việc mở thêm đường, xây thêm cầu vẫn chưa đủ sức để giải quyết được tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm hiện nay.
Thống kê của Cục CSGT - Bộ Công an tại cuộc họp vào chiều 6-5-2015 diễn ra ở TPHCM, trong những năm gần đây, nước ta có sự gia tăng nhanh, phát triển mạnh số lượng phương tiện giao thông, trong đó nhiều nhất là các loại xe mô tô (phân khối nhỏ và lớn). Trên địa bàn TPHCM, tính đến hết năm 2014, toàn TP có khoảng 6,3 triệu xe gắn máy, tăng gần 1 triệu xe so với năm trước. Việc gia tăng liên tục các loại xe cá nhân trong thời gian qua của người dân đã góp phần đẩy tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông ngày càng xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng. Theo ước tính của các nhà khoa học, tình trạng kẹt xe trên địa bàn TP gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Con số này thật đáng báo động cho cả người dân lẫn cơ quan chuyên trách. Một giải pháp căn cơ, triệt để hơn về giảm thiểu tình trạng kẹt xe tại TPHCM cần được đưa ra mổ xẻ, nhanh chóng triển khai nhằm trả lại lòng đường thông thoáng, tiết kiệm được số tiền hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm do kẹt xe gây ra.
Thi Hồng