Trật tự, an toàn giao thông TPHCM đã được cải thiện đáng kể. Số vụ tai nạn giao thông, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông giảm mạnh so với những năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn không ít điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông cao.
“Nín thở” qua… đường
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Ánh đưa mẹ từ Tiền Giang lên Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM trên đường Hùng Vương, quận 5 để chữa bệnh. Tay vẫn còn run khi cầm ly nước ngọt, chị Ánh cho biết: “Tôi tưởng mình đã chết rồi! Vừa đưa mẹ ra khỏi cổng bệnh viện, trên vỉa hè không còn chỗ đứng vì bị người ta chiếm làm nơi buôn bán, nên tôi và mẹ phải đứng ra gần giữa đường để đợi xe nhà tới đón. Đang lớ ngớ tìm xe, tôi giật bắn mình khi thấy chiếc xe buýt to đùng lừ lừ tiến tới. Xe buýt muốn vào trạm để đón khách nhưng taxi và một số ô tô cá nhân khác đã chiếm chỗ… Xe buýt phải tiến ra giữa đường, gần chỗ chúng tôi để dừng, đón khách. Hoảng hốt, tôi định kéo mẹ ngược vào trong phía vỉa hè thì đụng ngay mấy chiếc taxi đậu chắn đường… Quýnh quáng, tôi và mẹ quay đầu lại, tính đi ra thì xe gắn máy ào ào lao tới. Không biết làm gì hơn, tôi và mẹ tôi ôm cứng nhau và hét lớn. May có một bác xe ôm chạy ra, đưa hai mẹ con vào trong lề đường…”.
Trao đổi với anh Trần Văn Thượng, nhân viên bán một cửa hàng trong khu vực Thuận Kiều Plaza chúng tôi cũng nhận được nhận định tương tự. Anh cho hay, mỗi khi đi làm qua khu vực Bệnh viện Hùng Vương anh đều “đau tim”. “Tôi đi từ đường Lý Thường Kiệt, rẽ ra đường Hùng Vương… ngay tại điểm rẽ đó là Bệnh viện Hùng Vương và ở đấy luôn luôn có vài chiếc taxi dừng, đón khách, lấn hết đường đi. Không có đường đi sát vỉa hè, tất nhiên tôi phải đi lấn vào làn của ô tô. Hôm nào có thêm xe buýt đi qua… Hãy cứ hình dung: trong cùng là taxi, giữa là xe buýt và ngoài cùng là các loại ô tô khác… Một hướng giao thông chỉ có 2 làn xe. Như vậy, những người đi xe gắn máy 2 bánh như tôi đi vào đâu bây giờ? Chắc chắn chỉ có cách len lỏi giữa những chiếc ô tô và nín thở… cầu xin một sự bình an” - anh Trần Văn Thượng kể.
Thế nhưng, theo anh Thượng, khoảnh khắc đó vẫn chưa phải là đáng sợ nhất. Run nhất là khi đang len lỏi đi giữa các ô tô thì bất ngờ xe taxi đang dừng sát vỉa hè bấm đèn xi-nhan cứ thế rẽ ra đường, chẳng cần biết đến những người đang đi xe gắn máy 2 bánh gần đó. Anh Thượng đã phải thay hai kiếng chiếu hậu gọng dài thành gọng ngắn vì sợ vào những lúc ấy, gọng vướng vào xe khác, xe đổ, người ngã xuống đường thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đây có lẽ là tình trạng chung trước cổng những bệnh viện lớn như Hùng Vương, Đại học Y Dược TPHCM hay trước cổng nhiều bệnh viện, siêu thị, nhà hàng lớn khác tại thành phố…. Vì thế, có lẽ không phải ngẫu nhiên, việc nghiên cứu, tổ chức lại giao thông ở trước cổng các bệnh viện, trường học… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở Giao thông Vận tải TPHCM trong năm 2014.
Căng thẳng cầm lái
Không phải chỉ có những người đi bộ, đi xe gắn máy 2 bánh mới cảm thấy lo lắng khi đi qua những khu vực giao thông thường xuyên rối loạn đó. Ngay cả những tài xế xe buýt cũng cảm thấy hết sức căng thẳng khi cầm lái qua các khu vực này. Theo ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Xe buýt TPHCM, xe quá đông, lại đi lộn xộn… thật sự là một thách thức cho các tài xế, dù là đối với những tài xế có hàng chục năm kinh nghiệm. Xe buýt lớn, tài xế cầm lái ở đằng trước, chắc chắn không thể quan sát hết những gì diễn ra xung quanh và phía sau xe. Do vậy, nếu các xe gắn máy 2 bánh va vào nhau, có người té… nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao. Nhiều tài xế xe buýt đã tâm sự, mỗi khi đi qua được các khu vực này, họ cảm thấy “nhẹ cả người”.
Đường quá tải là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này. Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hơn 10 năm qua, số lượng xe gắn máy 2 bánh đã tăng gần 3 lần với khoảng 5,9 triệu chiếc, ô tô (không tính xe buýt) tăng 7,39 lần với khoảng 487.600 xe. Hàng trăm cây cầu và hàng trăm kilômét đường đã được xây mới thế nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân… Thế nhưng, quá tải là vấn đề chung của toàn bộ hệ thống giao thông thành phố, đối với các khu vực này, chủ yếu do công tác tổ chức giao thông còn nhiều bất cập. Tại những nơi mà xe có nhu cầu dừng, đậu lớn để đón khách mà hoàn toàn không có không gian thích hợp cho việc này. Tất cả đều tràn ra mặt đường… giao thông không rối mới lạ. Chính vì vậy, một khu vực riêng có đường ra, vào hợp lý phục vụ cho nhu cầu đi lại của khách hàng đến các siêu thị, bệnh nhân các bệnh viện… là việc mà ngành chức năng nên sớm phối hợp với các bệnh viện, siêu thị, nhà hàng… thực hiện nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông.
NGUYỄN KHOA