Nghe câu hỏi này, nhiều người buột miệng: Rõ thật vớ vẩn, ai mà chẳng có tết, chỉ khác nhau là tết to hay tết nhỏ. Nhưng thật ra, đối với số ít ngành nghề không được liệt kê trong bảng xếp hạng “kinh tế thị trường”, đơn cử như ngành giáo dục, thì ngoài câu trả lời có tết to, có tết nhỏ còn cả loại… tết không to cũng chẳng nhỏ nhắn gì - nghĩa là không có tết. Như trong cái rét tái tê của mùa đông năm nay, một cô giáo ở vùng núi phía Bắc xuýt xoa 3 lần tiếng “trời ơi!” khi hay tin giáo viên ở TPHCM được chính quyền trích thưởng tết 700.000 đồng: “Tôi cũng là giáo viên, tôi kêu trời vì sao giáo viên ở TPHCM sướng thế mà còn phàn nàn. Hãy ra ngoài này mà xem, chúng tôi không có thưởng tết, còn phải trích ra để ủng hộ tết người nghèo, để mua báo xuân… Tôi ước gì mình được thưởng tết 50.000 đồng thôi để mua cho con trai 2 tuổi đôi giày nỉ cháu đi cho ấm”.
Đúng là nẫu người khi nghe những lời tâm sự này. Và đến mức có nhà xã hội học còn kiến nghị các cơ quan thông tin truyền thông không nên đưa tin… chuyện thưởng tết ở ngành này, ngành nọ để khỏi tủi lòng, để ai cũng nghĩ là mình đang “vui như tết”.
Vấn đề đặt ra ở góc độ khác - góc độ bình đẳng trước cái tết cổ truyền của dân tộc dường như ngày càng xa vời hơn. Nói ra để thấy rõ sự phân hóa giàu - nghèo trong xã hội đang ở mức báo động: Chỉ tính riêng chuyện thưởng tết, sự chênh lệch giữa mức thưởng cao nhất và thấp nhất ở TPHCM đã lên tới gần 600 lần! Chênh lệch không những thể hiện ở các nhóm ngành khác nhau mà còn xê dịch bên trong nội bộ ngành.
Tại TPHCM, giáo viên ngoài khoản thưởng “chung” của TP là 700.000 đồng còn khoản thưởng “riêng” khác nhau một trời một vực, tùy “cơ địa” của từng bậc học và vị trí “đắc địa” của từng cơ sở. Có những trường như Trường THPT Nguyễn Hữu Huân mức thưởng cao nhất lên tới 30 triệu đồng, còn lại một số trường khác cùng bậc học cũng có mức thưởng xem xem 10 - 15 triệu đồng, trong khi đó ở các cấp học thấp hơn như mầm non, tiểu học, THCS thì chỉ có “tết tinh thần” với mức thưởng như không thưởng: trên dưới 1 triệu đồng, trong đó có trường như Tiểu học Điện Biên (quận 10) chỉ tròm trèm 300.000 đồng.
Nghịch lý này được lý giải do tiết kiệm chi tiêu, do có bãi giữ xe, có mặt bằng cho thuê học đêm… nhưng nguyên nhân chính vẫn là sự bất cập trong quản lý với những quy định cũ kỹ như mức học phí không thay đổi trong hơn 10 năm qua. Đó là chuyện phân bổ ngân sách theo đầu học sinh dẫn đến sự bất công trong lương thưởng, khiến trường càng có quy mô lớn thì càng giàu hơn, trong khi các trường nhỏ khó tuyển sinh lại càng ngày càng teo tóp trong mỗi lần đón xuân. Thậm chí, những trường điểm, trường chuẩn quốc gia có số học sinh theo đúng “chuẩn” là 35 em một lớp lại đang tụt hậu về thưởng tết do “kết dư ngân sách” thấp.
Cực chẳng đã, có không ít giáo viên phải buồn bã nhận bao thư từ phía các phụ huynh như khoản “lương tháng 13”. Nhưng khoản thưởng thêm từ lòng hảo tâm này không phải ai cũng có, trường nhà giàu đã đành nhưng còn ở vùng sâu, vùng xa thì chắc chắn thầy cô phải chấp nhận vui tết với khoản lương tháng cấp phát định kỳ chưa tới 2 triệu đồng. Cách đây 2 năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhân dịp xuân về đã gửi một bức thư ngỏ kêu gọi những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay giúp giáo viên có “cái tết ít thiếu thốn hơn ngày thường, có được mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên, có được chiếc áo mới cho cha mẹ, con cái, có được chiếc bánh chưng, bánh tét ăn ngày mùng 1 Tết…”. Và nhờ những tâm sự chất đầy tình người này, không ít giáo viên khi đó đã được giúp đỡ có một cái tết đúng nghĩa.
Song chẳng lẽ tết nào chúng ta cũng phải kêu gọi sự chung sức từ các mạnh thường quân? Nghề giáo là thiêng liêng và cao quý, họ xứng đáng được thưởng một cách công khai, minh bạch chứ không phải lúc nào cũng phải nhận những đồng tiền từ lòng hảo tâm. Ở đây chúng ta cần có sự đột phá về chính sách lương đối với giáo viên để họ có thể sống được bằng nghề và đó phải là việc làm ngay khi Nghị quyết Đại hội Đảng xác định nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ “phải là quyết sách hàng đầu”. Và để giáo viên có tết, nhất thiết phải có quỹ thưởng tết với phần lớn số tiền bổ sung từ ngân sách, còn lại từ nguồn xã hội hóa. Đó mới là những giải pháp căn cơ cho tết và sau tết đối với các thầy cô.
Bích An