Một trong những quan điểm chủ chốt của cải cách hành chính ở nước ta suốt nhiều năm qua là việc giảm bớt các loại giấy phép con trong hoạt động kinh doanh. Thế nhưng, thời gian qua trong nhiều ngành nghề kinh doanh, người ta lại than phiền về việc có quá nhiều “điều kiện kinh doanh” mà trên thực tế đó chính là các giấy phép con trá hình. Các loại giấy phép con này đã gây cản trở không nhỏ cho sự phát triển chung của toàn nền kinh tế trong nước.
Lĩnh vực xuất bản ở nước ta được coi là một lĩnh vực đặc thù khi gắn liền với đời sống tinh thần đồng thời với việc hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường. Và cũng như nhiều ngành nghề khác, trong sự mở cửa của nền kinh tế, trong sự phát triển chung của đất nước, ngành xuất bản cũng nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi có những biện pháp quản lý hữu hiệu để ngăn chặn các tiêu cực phát sinh đồng thời hỗ trợ sự phát triển đúng hướng. Thế nhưng không phải sự quản lý nào cũng mang đến hiệu quả cần thiết. Do sự máy móc, quan liêu nên dẫn đến tình trạng một số điều kiện quản lý đã gây trở ngại cho sự phát triển của toàn ngành.
Lấy ví dụ như điều kiện muốn quản lý cơ sở xuất bản, in hay phát hành cần phải có giấy chứng nhận đã học qua lớp bồi dưỡng quản lý xuất bản, in, phát hành.
Việc áp dụng máy móc quy định này đã làm xuất hiện nhiều tình huống dở khóc, dở cười như trường hợp một người đã gần 40 năm làm trong lĩnh vực phát hành, là thạc sĩ ngành xuất bản, hiện đang là quản lý một trong những nhà phát hành lớn của cả nước, đóng góp chủ yếu vào doanh thu chung của toàn ngành, nay để tiếp tục đủ điều kiện quản lý phải đi học lớp “bồi dưỡng quản lý phát hành”. Có trường hợp giám đốc một nhà xuất bản (NXB) lớn của cả nước, tiến sĩ ngành xuất bản cũng phải đi học lớp bồi dưỡng mà giảng viên thậm chí còn đang là học trò của ông.
Không những thế, quy định còn yêu cầu chỉ có người của NXB, in hay phát hành mới được đi học. Có trường hợp một cá nhân nhận được thông báo chuẩn bị làm quản lý một NXB, để đáp ứng yêu cầu công việc mới nên đã đăng ký đi học lớp bồi dưỡng nhưng bị từ chối vì không phải là người làm trong lĩnh vực xuất bản. Nhưng muốn trở thành người làm trong lĩnh vực xuất bản thì lại phải có giấy chứng nhận đã học lớp bồi dưỡng?!
Việc máy móc trong cấp giấy chứng nhận còn được thể hiện trong lĩnh vực biên tập. Để chấn chỉnh hoạt động biên tập vốn có nhiều điều tiếng thời gian qua, nhiều lớp bồi dưỡng đã được khai giảng và bắt buộc chỉ ai có chứng nhận biên tập viên mới được đứng tên biên tập. Thế nhưng, yêu cầu này vô tình đã làm khó rất nhiều biên tập viên kỳ cựu, một số vì hoàn cảnh khách quan không thể đi học, một số vì tự tin đã có những văn bằng cao hơn tờ giấy chứng nhận nên không đi. Thế là xảy ra chuyện hy hữu khi có NXB do không ai đi đành cử một nhân viên kế toán đi dự học và kết quả là nhân viên kế toán không biết gì về biên tập phải đứng tên biên tập chính cho tất cả đầu sách của NXB, còn những biên tập viên thực sự thì đành xuất hiện với các chức danh kiểu như sửa bản thảo!
Điều khó hiểu là việc áp đặt phải có giấy chứng nhận mới được phép hành nghề đã đặt tấm giấy chứng nhận lên cao hơn cả các văn bằng khác trong cùng ngành nghề. Có rất nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực xuất bản về nguyên tắc không được làm xuất bản trong khi một cá nhân cho dù không có bằng cấp về công tác xuất bản nhưng có giấy chứng nhận đã học một lớp bồi dưỡng vài tuần lại được hoạt động. Trong khi đó ở nhiều lĩnh vực khác, khi xem xét điều kiện hành nghề, người ta đều có những quy định cụ thể như thâm niên bao nhiêu năm thì mặc nhiên đủ điều kiện hay trình độ, bằng cấp ra sao thì không cần phải đi học bổ sung…
Không thể phủ nhận việc nỗ lực chuẩn hóa, siết chặt các quy định về điều kiện xuất bản là những cố gắng nhằm chấn chỉnh hoạt động này, góp phần hướng đến một nền xuất bản tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc trong nước. Thế nhưng, nếu cách làm cứ quá máy móc, quan liêu, không xem xét các điều kiện thực tế thì nỗ lực mang tính tích cực lại trở nên phản tác dụng, gây trở ngại cho sự phát triển chung của toàn ngành xuất bản, trái với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành xuất bản Việt Nam.
TƯỜNG VY