Đến Phan Thiết, từ dọc đầu cầu Phú Hài đến cuối Mũi Né - Hàm Tiến, đâu đâu cũng thoang thoảng hương vị đặc trưng của nước mắm. Đến đây, sau khi được tận mắt chứng kiến quy trình làm nước mắm của người dân xứ biển, mới thấu hiểu cái nghề, cái nghiệp, niềm đam mê, nhiệt huyết và cả những trăn trở của họ.
1. Trước khi bắt đầu hành trình tìm những “cây đại thụ” còn sót lại của những làng nghề nước mắm truyền thống Phan Thiết, qua cuốn Địa chí Bình Thuận, được biết, từ năm 1809 đến năm 1930, nghề sản xuất nước mắm nơi đây đã trở thành một ngành công nghiệp độc đáo so với cả nước, là ngành công nghiệp duy nhất trong nền kinh tế địa phương. Như vậy, nước mắm Phan Thiết đã có tuổi đời trên dưới 200 năm. Đến nay, sau nhiều thăng trầm, biến cố, làng nghề nước mắm truyền thống Phan Thiết vẫn được nhiều người biết đến qua 4 khu vực chế biến tập trung, đó là: Đức Thắng, Thanh Hải, Phú Hài và Hàm Tiến - Mũi Né.
Nhắc đến nước mắm truyền thống Phan Thiết, không thể không kể đến dì Mười Tiếp với thương hiệu nước mắm cùng tên ở khu vực Hàm Tiến - Mũi Né. Dì tên thật là Nguyễn Thị Tiếp, năm nay 80 tuổi nhưng đã có hơn 50 năm làm nước mắm. Đưa đôi mắt đã mờ theo năm tháng về phía cửa hàng của gia đình, dì Mười Tiếp hồi tưởng: “Tôi nghe ông cha kể lại, nghề làm nước mắm ở đây có từ thời Pháp thuộc, nhưng phát triển mạnh hơn từ sau giải phóng. Tôi làm nước mắm trước giải phóng, nhưng chỉ là làm nhỏ lẻ, buôn bán ở trong chợ thôi”. Thời con gái, khi còn buôn bán trái cây ở chợ Phan Thiết, dì Mười Tiếp thường bán kèm một vài chai nước mắm nhà làm. Khách hàng mua về ăn thử rồi đâm ra “nghiện” từ lúc nào không biết. Vậy là dì cứ làm thêm, mỗi năm lại mở rộng vài mái muối. “Thời đấy, không ai nghĩ đến chuyện quảng cáo, tiếp thị. Chúng tôi giữ mối quan hệ buôn bán thông qua chữ tín trong kinh doanh và chữ tâm trong chế biến. Thương hiệu nước mắm mang tên tôi như bây giờ cũng do chính những khách hàng đặt cho”, dì Mười Tiếp kể. Cách làm nước mắm của dì là cách làm nước mắm truyền thống của người Việt với 2 thứ nguyên liệu cá và muối. Dù không chất bảo quản, không pha tạp chất nhưng giọt nước mắm vẫn thơm lừng.
Nước mắm truyền thống Phan Thiết tạo nên bản sắc riêng
Ngoài thương hiệu dì Mười Tiếp, còn có khá nhiều con người tâm huyết với nghề nước mắm truyền thống. Trong đó, bà Nguyễn Thị Ẩn, năm nay 90 tuổi ở Phú Hài cũng được xem là một trong những “cây đại thụ” trong nghề. Để có thương hiệu nước mắm Bà Hai như ngày nay, bà Ẩn đã phải trải qua nhiều gian truân, khó nhọc. “Tôi bước chân vào nghề làm nước mắm từ năm 1960, nhưng khi đó chỉ đi làm thuê. Sau khi học được một chút kinh nghiệm, tôi về nhà bắt tay tự muối mắm rồi đưa ra chợ bán lẻ”, bà Ẩn nói. Ngày ấy, người phụ nữ có dáng vóc gầy còm, kham khổ, ngày ngày cõng trên vai nào là nắng, gió, muối, cá với quyết tâm gầy dựng cho mình một thương hiệu nước mắm riêng. Cũng như dì Mười Tiếp, nước mắm của bà Ẩn rất được lòng người tiêu dùng vì chất lượng và chữ tâm của người làm. Hơn 50 năm qua, nước mắm Bà Hai cứ thế có mặt ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và cả nước ngoài. “Nhiều mối làm ăn giờ tôi còn chưa biết mặt...”, bà Ẩn giãi bày.
2. Đã qua rồi “cơn bão” muốn đánh bật thứ vốn được xem là “không thể thiếu” trong bữa cơm của người Việt Nam. Người tiêu dùng giờ đã hiểu hơn, về nền kinh tế thị trường nhiều mánh lới. Anh Nguyễn Hữu Dũng, người kế nhiệm thương hiệu nước mắm Bà Hai, là con út trong gia đình đông con. Chứng kiến sản phẩm nước mắm truyền thống ngày càng lép vế, bao tâm huyết của người mẹ mình có nguy cơ tàn lụi, anh Dũng đã từ bỏ ngành y đang theo học về tiếp quản nghề gia đình. “Tôi cảm thấy xót xa khi người dân xứ mình làm ra nước mắm mà lại phải sử dụng nước mắm công nghiệp. Năm 2000, tôi tiếp nhận nghề làm nước mắm từ mẹ và gặp quá nhiều khó khăn. Có khi tôi phải cầm từng chai nước mắm đưa ra từng cửa hàng ở chợ chào bán, nhưng lúc đó tôi chỉ nhận được cái lắc đầu từ các tiểu thương”, anh Dũng chia sẻ. Biết là nền kinh tế thị trường phải chịu sự cạnh tranh, anh Dũng nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã bao bì bắt mắt và chú trọng hơn đến thị trường. Đổ bao tâm huyết, năm qua, nước mắm của anh Dũng đã “cháy hàng” trong dịp Tết Nguyên đán.
Những năm gần đây, dì Mười Tiếp cũng đã nghỉ ngơi, giao công việc kinh doanh cho con cháu. “Tôi cũng mừng vì mấy người con nối nghiệp mình. Tôi không đòi hỏi gì, chỉ mong sao các con cố gắng giữ lấy cái nghề truyền thống của gia đình, của nước Việt chúng ta. Chỉ cần làm có tâm, chắc chắn người tiêu dùng họ sẽ tự tìm đến”, dì Mười Tiếp chia sẻ.
3. Nghề làm nước mắm truyền thống ở Phan Thiết vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một thống kê do Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết khảo sát, khiến nhiều người phải giật mình, hiện khoảng 80% thành viên của hiệp hội sản xuất chỉ để bán thô lại cho các tập đoàn, công ty nước mắm công nghiệp. “Chấp nhận bán nước mắm thô cũng có nghĩa là chấp nhận bán đi thương hiệu của mình. Thế nhưng, hiện hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm ở đây rơi vào cảnh thiếu vốn trầm trọng, công tác quảng bá bị bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, phải chịu sự cạnh tranh của các hãng nước mắm công nghiệp nên họ đành phải chấp nhận làm vậy để tồn tại”, ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, giãi bày. Do vậy, là người theo sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm ở nơi đây, ông Hiến cho rằng, chỉ khi nào họ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước thì mới có thể tháo gỡ các khó khăn. Những người đã và đang dành tâm huyết để giữ gìn ngành nghề truyền thống này mong muốn chính quyền địa phương cần quan tâm hơn, hỗ trợ nhiều hơn nữa để mùi hương nước mắm Phan Thiết có thể lan tỏa xa hơn nữa.
Dẫu biết quy luật cung cầu, mạnh được, yếu thua trên thương trường đã buộc các cơ sở sản xuất yếu hơn phải vận động để phù hợp, để tồn tại. Tuy nhiên, vẫn còn đó những mảng sáng của ngành nghề chế biến nước mắm truyền thống Phan Thiết, đó là những thương hiệu uy tín. Họ gầy dựng thương hiệu từ nghề sản xuất nước mắm của gia đình và đi lên bằng cái tâm đối với nghề. Chính nhờ vậy, có thể khẳng định, mùi hương nước mắm truyền thống sẽ vẫn mãi lưu truyền, dù phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn.
NGUYỄN TIẾN