Liên tục mấy ngày qua, dư luận bàn luận nhiều xung quanh thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đánh giá cao việc làm này của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng thời mong muốn sắp tới, việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị liên quan phải thật sự nghiêm minh, khách quan và công bằng, tránh tình trạng “giơ cao đánh khẽ”. Bản kết luận được xem là khá rõ ràng và phần nào giải tỏa bức xúc trong dư luận, song điều đọng lại trong suy nghĩ của bao người là tại sao một vị lãnh đạo cấp cao, đứng đầu ngành thanh tra Chính phủ, từng được ví như Bao Công thời nay, không ít lần đăng đàn nói về chống tham nhũng, tiêu cực rất mạnh mẽ, quyết liệt mà lại có quá trình dài vi phạm, khuyết điểm mang tính hệ thống, ở mức độ cao mà không bị phát hiện?
Trước hết cần nhắc lại, sai phạm này của ông Truyền không phải do tổ chức Đảng, đơn vị công tác hay cơ quan pháp luật phát hiện ra, mà bắt nguồn từ những bài báo viết về việc ông Truyền “có nhiều nhà, đất ở Bến Tre và ở TPHCM” vào cuối năm 2013. Nếu nhìn quá trình công tác, phấn đấu rèn luyện và tu dưỡng đạo đức của ông Truyền theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ và việc kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, rõ ràng là chưa đạt yêu cầu, chưa đúng tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”.
Trong thực tế, có không ít cán bộ cấp cao về cuối đời mắc nhiều sai phạm, khuyết điểm hoặc vướng vòng lao lý. Ai cũng nghĩ, đáng lẽ ra những người giữ chức vụ cao nhận được sự giáo dục lâu dài của Đảng, lại từng trải, có kiến thức sâu rộng, có thực tiễn, có kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng, được mọi người trọng vọng và luôn được nhiều người “để mắt” tới, thì khó vấp ngã. Ấy vậy, chính sự tin tưởng đó vô hình trung thiếu sự giám sát, ràng buộc chặt chẽ đối với những người có chức vụ ở các cơ quan, đơn vị.
Một sự tồn tại ở nhiều tổ chức Đảng là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, nhất là đối với người đứng đầu trong tự phê bình và phê bình. Ở những trường hợp này, nếu có sự phê bình thì cũng chỉ cốt cho vừa lòng nhau. Cái mà không ít người gọi đó là cách “ứng xử khôn ngoan” đã vô tình thủ tiêu ý chí đấu tranh, tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Nguy hiểm hơn, nó làm tăng nguy cơ thoái hóa trong Đảng. Tất nhiên, chẳng có sai phạm, tham nhũng nào qua mắt được nhân dân. Ở nhiều nơi, những cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên luôn có phương pháp đấu tranh khôn khéo, hiệu quả cao để tránh bị trù dập, trả thù. Đó là cách để bảo đảm sự an toàn cho bản thân và gia đình trong khi chúng ta chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ việc người đấu tranh chống tiêu cực. Chính vì thế, nhiều vụ tiêu cực ở cơ quan, thật ra do chính cán bộ, đảng viên nơi đó tố cáo tới cơ quan cấp trên, cơ quan pháp luật hoặc cung cấp thông tin cho báo chí.
Như vậy, chẳng phải mọi người ở cơ quan, đơn vị không biết mà còn biết rất rõ, thậm chí biết rất nhiều chuyện tiêu cực của cán bộ, của đơn vị mình, chỉ có điều họ không dám nói mà thôi. Nguồn gốc sâu xa “gieo mầm” tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, suy cho cùng là do tình trạng thiếu dân chủ trong một số tổ chức Đảng. Thiếu dân chủ trong Đảng làm biến dạng phê bình, không chỉ trong quan hệ cấp trên với cấp dưới mà còn cả quan hệ Đảng với nhân dân. Dân chủ trong nội bộ Đảng và dân chủ trong xã hội có mối quan hệ rất mật thiết. Dân chủ trong Đảng là tiền đề của dân chủ trong xã hội, dân chủ trong xã hội là môi trường để phát triển dân chủ trong Đảng. Chỉ có dân chủ thật sự trong Đảng thì những đảng viên có trách nhiệm mới dám nói thẳng, nói thật, đồng thời những đảng viên mắc khuyết điểm, nhất là người đứng đầu mới thật sự cầu thị, lắng nghe những ý kiến đóng góp của đảng viên, quần chúng. Đó cũng là tiền đề gắn kết chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng với tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng.
Trở lại vụ việc của ông Trần Văn Truyền, nhiều người thắc mắc, tại sao những sai phạm, khuyết điểm của ông Truyền lại gọi đó là hành vi “thiếu cân nhắc”? Trong quy định hiện hành, có quy định nào về hành vi “thiếu cân nhắc” không? Tại sao lại nói ông Trần Văn Truyền “thiếu cân nhắc” khi xây dựng biệt thự lớn, trong khi nhà ở và đời sống nhân dân trong vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn? Phải chăng ý muốn nói ông Truyền cần xây nhà nhỏ hơn? Những đánh giá như thế rất dễ làm nhiều người ngộ nhận và hiểu theo nhiều hướng khác nhau. Dù sao, người dân hy vọng rằng, việc xử lý ông Trần Văn Truyền phải thật sự nghiêm minh đúng với tinh thần giơ cao, đánh... mạnh.
Tuấn Sơn