
Nhà báo Trần Huấn Phương là một trong những nhà báo được truy tặng liệt sĩ đầu tiên của thành phố. Lúc ông hy sinh, vợ ông đang mang thai đứa con thứ hai. Người vợ liệt sĩ ấy đã vượt qua bao hiểm nguy, gian khổ để nuôi 2 con nên người: cả hai đều bảo vệ luận án tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài. Bỏ qua nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao, các con của bà trở về Việt Nam đóng góp cho quê hương… Đó là câu chuyện của một phụ nữ người Việt gốc Hoa đã từng sống trong chiến tranh.
- Tình yêu qua song sắt nhà tù

Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo thăm hỏi bà Diệp Tú Anh. Ảnh: P.K.
Năm 1955, khi đang bị giam cầm, cô nữ sinh xinh đẹp, hát hay và là Bí thư chi bộ người Hoa đầu tiên tại Hội An – chị Diệp Tú Anh không ngờ mình lại bị chinh phục bởi một khí phách phi thường.
Ngày nọ, một tù nhân nhập trại trong tình trạng bị trọng thương. Mỗi ngày là một đòn tra tấn dã man. Anh quyết không khai. Bọn địch không giết anh mà giở trò tra tấn liên tục. Bạn tù, ai cũng lo lắng cho anh. “Các đồng chí cứ yên tâm, tôi không khai đâu”, anh khẳng định.
Chưa một lần nói chuyện nhưng mỗi ngày nhìn thấy hình ảnh và khí phách của anh, tâm hồn của cô “tiểu thư” bỗng rung động. “Lúc đó, tôi nhớ lại không khí buổi tình nguyện lên đường tham gia cách mạng. Và hình ảnh ngoan cường của anh đã tiếp thêm lửa cho tôi”, bà nhớ lại. Sau đó, bà bị chuyển đi gần chục nhà tù khắp miền Nam nhưng trong lòng vẫn không quên hình ảnh người chiến sĩ – bạn tù kiên cường.
8 năm sau, ông và bà ra tù. Gặp nhau, tình yêu qua song sắt nhà tù nay mới được đoàn tụ. Họ đến với nhau và tiếp tục chiến đấu. Ông ở chiến trường, bà làm giao liên, có khi cả năm trời mới gặp mặt. Vài tháng sau đó, bà đau đớn nhận được tin ông hy sinh trong một trận càn, khi đó, đứa con thứ hai vẫn còn trong bụng mẹ. Cưới nhau 3 năm, nhưng thời gian thật sự họ được ở bên nhau chỉ chưa đầy 3 tháng.
- Giỏ thuốc dạo nuôi con thành tiến sĩ
Trong căn nhà nhỏ giữa khu phố người Hoa ở quận 11, cô giao liên năm nào phải gác nỗi đau riêng để kiếm sống và nuôi dạy 2 con nên người. Vết thương ở đầu hành hạ khiến bà cứ lơ mơ, lúc nhớ lúc quên. Bà xin nghỉ việc ở hợp tác xã. Với chút kiến thức của một y sĩ trong chiến tranh, bà xách giỏ đi chích thuốc dạo, ai ốm đau là bà có mặt. “Mình đã nghèo, nhưng thấy nhiều gia đình ốm đau mà không có tiền mua thuốc, thương lắm nên không thể làm ngơ…”, bà tâm sự. Nhiều hôm nhà hết tiền, ba mẹ con bữa rau, bữa cháo. “Ba mẹ con ăn sáng bằng 1 tô cơm nguội xịt xì-dầu là chuyện thường ngày”, bà cười.
Khó khăn là vậy nhưng bà quyết không bước thêm bước nữa và dành hết tình cảm chăm lo cho các con. Hiểu được sự hy sinh của mẹ, cả hai con của bà đều hiền ngoan, hiếu thảo và học rất giỏi. Từ giỏ thuốc dạo năm nào, hai người con của bà giờ đã là bác sĩ.
Người con lớn của bà đang công tác tại trường Đại học Y Dược TPHCM thì nhận được học bổng du học ở Nhật. Du học được 6 năm, nhà trường cấp học bổng đưa anh sang Mỹ học tiếp, hiện anh đã là tiến sĩ y khoa. Con trai út của bà công tác tại một đơn vị kinh doanh. Sau đó, được đưa đi du học và hiện anh là thạc sĩ kinh tế tại Mỹ. Thế nhưng, từ bỏ nhiều cơ hội việc làm với mức lương ngất ngưởng, anh trở về Việt Nam làm việc.
Vì sao bà không an hưởng tuổi già với các con ở nước ngoài? Nghe tôi hỏi, bà chỉ cười: “Ngày trước, ông ấy đã hy sinh ở mảnh đất này, xương cốt vẫn còn nằm đây, đời tôi cũng thế. Các con tôi đã trưởng thành, có điều kiện để cống hiến và đóng góp xây dựng đất nước thì không nên chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình”.
Để làm gương cho các con, dù tuổi cao sức yếu, ngày ngày bà vẫn tham gia các phong trào của khu phố, tổ dân phố. Khi thì dầm mưa đi nhắc nhở bà con, khi thì vận động giúp trẻ em nghèo đến trường. 57 tuổi đảng, bà đã được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ dân phố gần 20 năm qua.
HÀN NI