Các sản phẩm tái sử dụng nhiều lần, như túi nhựa đựng đồ đi chợ, túi vải đựng sách, quần áo… đang trở nên thịnh hành ở TPHCM. Hình ảnh những bạn trẻ, phụ nữ trung niên xách túi vải đi dạo, đi làm khá quen thuộc trên nhiều tuyến đường, góc phố. Song song đó, hàng loạt địa chỉ chuyên cung cấp những sản phẩm thân thiện môi trường cũng bắt đầu nở rộ, tạo thành mốt khiến nhiều người thích thú, săn lùng tìm mua.
Ghi nhận một vòng quanh các con hẻm dọc trục đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình); Lê Văn Sỹ (quận 3)… hàng chục điểm kinh doanh hàng tự làm bằng tay (handmade) gồm các sản phẩm túi xách, phụ kiện trang trí để làm mới các món đồ cũ được nhiều bạn trẻ tín nhiệm. Cô Minh Ngọc (đường Trường Chinh, quận Tân Bình), chủ shop hàng chuyên về thủy tinh trang trí, chia sẻ: “Chỉ cần một vài chiếc dây nơ, móc khóa với giá từ 1.000 - 3.000 đồng/chiếc, là thoải mái sáng tạo, “hô biến” chiếc túi cũ, vỏ hộp, chai lọ cũ thành sản phẩm mới”. Miệng nói, tay làm, Minh Ngọc nhanh chóng chứng minh cho khách hàng thấy việc cô đã “thổi hồn” cho sản phẩm như thế nào. Chẳng hạn, với mảnh khăn choàng cũ, cô biến tấu thành chiếc nơ xinh hoặc áo cánh quyến rũ thông qua nghệ thuật gấp khăn, điểm xuyết các hạt vải nhiều màu.
Chị Nguyễn Hoàng Hiệp, ngụ đường Tô Ký, quận 12, chia sẻ, con gái chị đang học lớp 3, được cô giáo bổ sung kiến thức ngoại khóa về môi trường sống, trong đó, nhấn mạnh tới việc tích cực bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ, nhưng thiết thực, ví dụ như: quay vòng đồ cũ để tái sử dụng, dùng các sản phẩm thân thiện với thiên nhiên, học cách tiết kiệm nước… “Chính vì vậy, dù nhỏ tuổi nhưng ý thức của cháu rất cao, thường nhắc mẹ về việc đi chợ phải đem theo túi nhựa đựng đồ, không dùng quá nhiều túi ni lông trong gia đình”, chị Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Thực tế cho thấy, hiện nay, giới trẻ không ngừng sáng tạo, tự tạo ra một số phong cách thời trang ấn tượng, cá tính nhưng dễ thực hiện, tiết kiệm thông qua học hỏi phong cách của một số bạn trẻ nước ngoài. Một trong số này chính là biến tấu đồ cũ, làm mới sản phẩm tùy khiếu thẩm mỹ của riêng mình, hướng đến việc nâng cao khả năng bản thân. “Tôi cho rằng, các em đang cố gắng nâng niu, trân giữ giá trị của từng sản phẩm mà chúng ta tạo ra; từ đó hướng đến một nền kinh tế tuần hoàn, như các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đã và đang phấn đấu đạt được”, bà Hoàng Tuyết Lan, một nhà giáo nghỉ hưu ngụ quận 3, nhận định.
Ông Sasama Tomoyuki, Tổng Giám đốc Công ty Hóa chất Dow Việt Nam, nhìn nhận, ngành kinh tế tuần hoàn - chuỗi cung ứng khép kín gồm tái chế, tái sử dụng, tái sản xuất; có thể tạo ra giá trị hàng ngàn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2025. Tất nhiên, điều này không thể bắt nguồn từ ý thức riêng lẻ, hành động tự thân các nhà sản xuất hay tiêu dùng mà rất cần việc tuyên truyền, tập trung vào đa ngành nghề, đa lĩnh vực; đặc biệt là đánh vào ý thức của giới trẻ. Bởi đây chính là chủ nhân của mỗi quốc gia sau này. Song song đó, các chuyên gia môi trường cũng khẳng định hàng loạt lợi ích của việc kéo dài vòng đời sản phẩm bằng phương pháp tái chế, mà tái dùng đồ cũ là một trong những giải pháp hữu hiệu. Hàng loạt lợi ích được chỉ ra như, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, kéo giảm diện tích và số lượng bãi rác. Để lý giải cụ thể hơn, các chuyên gia đã chứng minh, khi tạo ra một sản phẩm mới từ nguồn vật liệu qua sử dụng, con người chúng ta giảm bớt nhu cầu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên. Thống kê cho thấy, tại Vương quốc Anh, việc tái chế giúp giảm bớt khoảng hàng chục triệu tấn CO2 mỗi năm…
THIÊN VÂN