Giữ chân người thầy

Không cần nhắc lại, dù trong hay ngoài ngành giáo dục ai cũng hiểu lương bổng và đời sống giáo viên vẫn luôn là câu chuyện nóng hổi tính thời sự, nhất là khi từng cơn bão giá lạnh lùng đổ từng đợt như lúc này. Cứ nhìn vào con số 2.000 giáo viên bỏ việc mỗi năm tại TPHCM cũng dễ dàng nhận thấy việc ra đi của thầy cô ở các tỉnh thành, vùng miền khó khăn, xa xôi hẻo lánh buồn đau cỡ nào.

Còn nhớ, hồi đầu năm học, Báo Sài Gòn Giải Phóng có loạt bài phản ánh thật sâu sắc về đời sống giáo viên ngoại thành. Đó chỉ mới là một phần của bức tranh đời sống đạm bạc đến khổ cực của một triệu thầy cô giáo trên khắp đất nước Việt Nam này. Chung quy cũng vì đồng lương còm cõi đến mức không đảm bảo nổi một đời sống trung bình thì thử hỏi làm sao họ an tâm công tác.

Không chỉ là lương không đủ sống, mức tăng tiền lương từ lương cũ sang lương mới của nhà giáo so với các ngạch viên chức cùng loại cũng thuộc diện thấp nhất. Đó là chưa kể các chính sách ưu đãi khác của Nhà nước đối với giáo viên luôn luôn chậm trễ. Những ngày này, khi học trò các nơi đang chuẩn bị hoàn tất kỳ thi học kỳ 1, khi tiết xuân cũng bắt đầu đẹp dần lên nhưng mấy ai trong ngành giáo dục bình thản chờ đón tết khi dịp lễ đó vẫn còn là nỗi lo lớn nhất của giáo viên.

Năm nay, nỗi lo càng chồng chất nỗi lo vì vật giá vẫn từ từ leo thang, giá cả từng mặt hàng thiết yếu vẫn cứ cao ngất ngưởng. Còn ở nhiều tỉnh thành, vùng miền sâu xa hầu như không biết tiền tết là gì, hoặc nếu có cũng chỉ là vài ký thịt, chai dầu ăn, ít bánh kẹo… gọi là “sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với đội ngũ thầy cô giáo nhân dịp xuân về”. Rồi chuyện “nợ” lương, “treo” lương giáo viên vẫn diễn ra thường xuyên.

Và rồi, sau những câu chuyện buồn của ngày tết hàng năm, Bộ GD-ĐT lại trăn trở với biết bao giải pháp để nâng lương cho giáo viên. Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục mà Bộ GD-ĐT trình Quốc hội năm trước nhằm phần nào tháo gỡ bài toán nan giải này nhưng không khả thi vì chưa tạo được sự đồng thuận trong điều kiện đời sống nhân dân vẫn chưa được cải thiện. Vậy là bế tắc vẫn hoàn bế tắc! Mỗi một người làm nghề giáo đều hiểu, trong lúc thu nhập đại đa số người dân còn thấp, việc tăng học phí quả là một gánh nặng đối với người học. Do vậy mà, nếu tăng thu nhập của giáo viên được cân đối và tính toán từ một phần của nguồn tăng học phí thì chắc hẳn các nhà giáo chân chính sẽ ray rứt lắm, vì như vậy làm cho câu chuyện đến trường của em cháu chúng ta vốn khó khăn nay càng thêm nặng trĩu!

Lao động của giáo viên gian khổ mà đời sống giáo viên nói chung vô cùng khó khăn. Giáo viên mầm non, tiểu học càng khó khăn nhiều hơn nữa, trong khi nỗi vất vả của đội ngũ này gần như nhiều nhất. Nhiều đại biểu Quốc hội đã nói đúng khi cho rằng quan tâm đến giáo dục (cả về chế độ chính sách lẫn kinh phí đầu tư, chương trình đào tạo…) phải đặc biệt quan tâm đến bậc mầm non, mẫu giáo. Nhưng làm sao để thầy cô giáo nói chung, nhất là cô giáo mầm non có thu nhập ổn định, đủ sống để an tâm, toàn tâm toàn ý với công việc, không bị chi phối bởi bài toán cơm áo gạo tiền? Làm sao để những “kỹ sư tâm hồn” không bỏ nghề? Làm sao để thu hút người giỏi, người tài vào ngành giáo dục? Những câu hỏi ấy vẫn chưa có lời giải đáp thấu đáo từ các cấp quản lý! Giải pháp căn cơ nhất vẫn là lời giải cho thu nhập của giáo viên. Mong mỏi chính đáng của đội ngũ nhà giáo được an tâm công tác khi thu nhập đảm bảo đời sống lẽ nào không được quan tâm? Cần lắm những chủ trương, chính sách, sự quan tâm thiết thực ở tầm vĩ mô cho đời sống của hơn một triệu thầy cô giáo ở các bậc học trên khắp mọi miền Tổ quốc đang tận tụy ngày đêm với sự nghiệp trồng người!

Nguyễn Văn Cải

Tin cùng chuyên mục