Tháng 12 âm lịch còn được người xưa gọi là “tháng củ mật”, có nghĩa là tháng phải kiểm soát cẩn thận, vì trong tháng giáp tết ai cũng bận rộn, thường mệt mỏi, trở nên mất cảnh giác, dễ trở thành mục tiêu cho tội phạm. Ngoài ra, thời tiết cuối năm thường hanh khô, dễ xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ. Những ngày giáp tết, trong không khí lễ hội, tiệc tùng, ăn uống không điều độ, rất dễ có tai họa do không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, hoặc say rượu gây tai nạn, xung đột, bạo hành. Xem ra những nỗi lo của người xưa mãi đến bây giờ vẫn còn y như cũ, do vậy, trong những ngày cuối năm, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, mọi người cần phải cẩn trọng và cảnh giác phòng ngừa các hiểm họa đó.
Năm nào cũng vậy, thời điểm cuối năm tình hình tội phạm phức tạp hơn, do tâm lý tội phạm liều lĩnh gây án trộm cắp, lừa đảo, thậm chí là giết người cướp tài sản... để có nhiều tiền ăn tết và ăn chơi dịp tết. Trong thời điểm cuối năm, hoạt động siết nợ, đòi nợ thuê của các băng nhóm tội phạm liên quan đến tín dụng đen cho vay nặng lãi càng lộng hành, khiến nhiều nạn nhân và gia đình khốn khổ. Vụ cướp ngân hàng vừa xảy ra tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) ngày 18-1 là hành vi manh động, cùng đường, để kiếm tiền tiêu tết, trả nợ vay tín dụng đen. Điều đáng ghi nhận là các cán bộ, nhân viên ngân hàng và các cán bộ, chiến sĩ công an địa phương đã đề cao cảnh giác và ứng phó rất nhanh, hiệu quả. Đó là bài học cảnh giác trong việc chống tội phạm thời điểm cuối năm.
Để giữ an ninh trật tự và an toàn cho nhân dân trong thời điểm giáp tết, rất cần sự quyết liệt của công an các địa phương trong việc ngăn chặn tội phạm lộng hành, tăng cường đấu tranh với các băng nhóm tội phạm hình sự, nhất là các băng nhóm cướp giật, lừa đảo, trộm cắp và các băng nhóm liên quan đến hoạt động tín dụng đen cho vay nặng lãi, các đường dây cờ bạc. Trong những ngày gần đây, công an nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp cần thiết và hiệu quả như: tăng cường tuần tra trên đường phố; mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; tổng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn; nhắc nhở và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông, nhất là đối với người uống rượu bia rồi tham gia giao thông; xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ; vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa tội phạm, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm.
Đối với ngành giao thông vận tải các địa phương, những ngày giáp tết phải dồn sức lo việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tăng vọt, nhưng không thể buông lỏng việc nhắc nhở, kiểm tra các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông; đình chỉ hoạt động các bến xe trái phép, phương tiện vận chuyển không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn; rà soát, khắc phục các điểm đen về tai nạn giao thông. Trong những ngày này, không thể để tiếp diễn tình trạng một số cảnh sát giao thông chỉ lo rình phạt người tham gia giao thông để nhũng nhiễu mà lơ là trách nhiệm điều phối giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và ngăn chặn kịp thời các vụ đua xe trái phép gây rối trật tự công cộng.
Từng địa phương cũng cần tăng cường quản lý, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đến mức nghiêm ngặt. Bất cứ trường hợp nào phát hiện không đảm bảo an toàn vệ sinh là kiên quyết tiêu hủy, phạt nghiêm, công bố cho người tiêu dùng biết, thậm chí buộc dừng sản xuất, đóng cửa, dẹp tiệm.