Như một căn bệnh kinh niên, nhiều năm qua, cứ đến gần cuối năm là nhiều mặt hàng lại tăng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đã thật sự là nỗi lo canh cánh của phần lớn những gia đình có mức thu nhập trung bình hoặc thấp.
Từ đầu năm đến nay, một số mặt hàng đã có sự điều chỉnh giá khiến nhiều người lo ngại. Trong đó, nổi bật là giá điện, xăng và giá gas tăng cao. Mặc dù công luận đã lên tiếng nhiều lần, nhưng với nhiều lý do, ngành điện vẫn tăng giá với sự “kiên định” khá lạ thường! Từ 1-12-2013, với sự biến động của giá gas thế giới, giá gas trong nước tăng vọt gần 80.000 đồng/bình 12kg khiến hầu hết những người sử dụng gas từ nay không chỉ phấp phỏng âu lo với mức độ an toàn của bình gas vốn bị làm giả quá nhiều, mà còn phải đối diện với mức tăng giá chưa từng thấy.
Gần đây nhất, theo kiểu “ngựa quen đường cũ”, nhiều đại lý, chủ cửa hàng bia đã bắt đầu ghim hàng, tăng giá mặc dù các nhà máy bia vẫn sản xuất bình thường, giá cung cấp cho các đại lý không hề thay đổi. Câu trả lời khá quen thuộc của các chủ đại lý là: cuối năm mà, cái gì chẳng tăng giá, từ con cá đến cọng rau, huống chi là… bia.
Thực tế, tại thời điểm hiện nay, nhiều mặt hàng trên địa bàn TPHCM vẫn chưa tăng giá hoặc tăng rất nhẹ. Trong đó, theo kết quả khảo sát mới nhất, giá cả các mặt hàng rau, củ, quả khá ổn định. Phần lớn các mặt hàng nằm trong Chương trình Bình ổn thị trường của TPHCM hiện có nguồn cung khá dồi dào, ổn định. Các doanh nghiệp chuyên cung cấp nguồn hàng thiết yếu phục vụ dịp tết như: Vissan, Ba Huân, Phạm Tôn… đều đã chuẩn bị nguồn hàng phong phú để đáp ứng nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường của TPHCM cũng đã cam kết sẽ không tăng giá trước và sau tết 1 tháng.
Những cam kết đó cho thấy nỗ lực và trách nhiệm của chính quyền TPHCM cũng như bản thân các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường. Mặc dù chỉ chiếm một số lượng không lớn trong tổng số doanh nghiệp trên địa bàn TP, nhưng phần nhiều các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đều có kinh nghiệm và uy tín trong sản xuất, kinh doanh nên có thể tham gia tích cực vào việc giữ giá các mặt hàng phục vụ tết. Tuy nhiên, việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết này cũng cần được giám sát chặt chẽ. Bởi, chỉ cần một vài doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết sẽ gây ra hiệu ứng đồng loạt khiến giá cả tăng cao, vượt ngoài tầm kiểm soát.
Trong khi đó, giá cả tại các chợ nhỏ, các nhà hàng, quán ăn… rất khó kiểm soát. Lấy cớ giá điện, giá xăng, giá gas tăng, nhiều nhà hàng, quán ăn cũng thi nhau tăng giá. Và, gần như một quy luật, giá chỉ có tăng chứ không bao giờ giảm! Mỗi lần giá tăng một ít nhưng nếu tăng nhiều lần trong một năm thì sẽ không còn ít.
Ngay sau khi nhận được thông tin nhiều đại lý, cửa hàng bia ghim hàng, tăng giá, lãnh đạo TPHCM đã triệu tập một cuộc họp khẩn. Tham gia không chỉ có đại diện các cơ quan chức năng mà còn có lãnh đạo các nhà máy cung cấp bia chính trên thị trường. Tại cuộc họp này, lãnh đạo các nhà máy bia đã tuyên bố dứt khoát: Nếu đại lý cấp 1 nào gim hàng, tự ý tăng giá sẽ bị cắt hợp đồng cung ứng bia! Hành động quyết liệt này đã có tác động tích cực, ngay sau đó, thị trường bia đã tạm thời lặng “sóng”.
Dư luận cho rằng, cách điều hành để giữ giá như vậy là kịp thời, hợp lý và kiên quyết thể hiện sự nhạy bén và trách nhiệm của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, không chỉ có bia mà nhiều mặt hàng khác đều có thể “vượt rào” tăng giá bất cứ lúc nào. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng càng phải theo dõi sát sao và vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Mục tiêu là phải giữ giá ở mức hợp lý đối với các mặt hàng thiết yếu để mọi nhà, mọi người đều có thể vui xuân, đón tết an lành!
TÔ NGUYỄN