Mỗi độ xuân về, người dân lại nô nức đi lễ hội, thể hiện lòng thành tâm, cầu mong một năm bình an, may mắn đến với bản thân, gia đình và người thân. Lễ hội mùa xuân được tổ chức để đón mừng năm mới, tưởng nhớ tổ tiên và người có công với cộng đồng và cũng là dịp để mọi người vui chơi, giải tỏa và bù đắp sau một năm lao động sản xuất. Đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vả mưu sinh. Nhưng việc đi lễ đang biến tướng bởi nhận thức sai lầm của nhiều người.
Ngày nay, việc đi lễ chùa không chỉ trong vài ngày tết mà kéo dài đến hết tháng giêng, thậm chí là tháng hai, tháng ba. Cùng với việc kéo dài thời gian đi lễ, những phong tục đẹp trong việc lễ chùa cũng đang nhuốm mùi thực dụng. Các đền chùa tràn ngập tiền lẻ, tiền rơi trên ban thờ, tiền gài tay Phật, vàng mã mâm to, mâm nhỏ chất cao như núi rồi cháy bùng bùng thành than… mới chỉ là một số trong rất nhiều hành động phản cảm mà người dân đã và đang thực hành trong việc đi lễ.
Nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam từng chia sẻ việc đi lễ, để tiền giọt dầu có từ xưa. Nhưng người xưa thực hiện rất đẹp, không giống như vài năm gần đây nó biến tướng thành một hiện tượng xã hội trục lợi. Trước hết là do nhận thức sai lầm từ người đi lễ cho rằng đi lễ phải có tiền, càng nhiều tiền thì thần thánh càng phù hộ cho nhiều. Quan niệm “tốt lễ dễ kêu”, càng mâm cao cỗ đầy càng tốt đang ngấm sâu trong suy nghĩ của nhiều người. “Nếu so với tổ tiên, chúng ta đang bị sự suy giảm đạo đức, suy giảm lòng tin.
Người xưa đi lễ là chuẩn bị tâm thế để đến với thần linh, phải để thần linh cảm được mình, tức là tu thân tích đức để đi cầu xin. Người xưa tin là sống có đức thì cảm được thần linh, rồi được thần linh phù trợ, đây là hành động văn hóa. Còn ngày nay, lại nghĩ nhiều tiền thì sẽ kêu được thần linh. Đây là sự sai lầm của người ngày nay” - Giáo sư Ngô Đức Thịnh phân tích. Phần khác là do chính sự trục lợi của các ban quản lý, các cơ sở thờ tự khi người ta đặt nhiều hòm công đức, để khuyến khích người đi lễ đặt tiền. Có lẽ vì thế mà mục tiêu đi lễ ngày nay bị bóp méo.
Để chấn chỉnh hiện tượng này, trước mùa lễ hội năm nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Chỉ thị yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội của từng ngành, địa phương, cơ sở theo đúng quy định của pháp luật; thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, có ý nghĩa giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân. Đề nghị thực hiện nghiêm việc quản lý đốt vàng mã; quản lý, sử dụng đồng tiền Việt Nam trong lễ hội theo đúng quy định của pháp luật; khắc phục tình trạng đặt hòm công đức và đặt tiền lễ tùy tiện; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch, phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và tổ chức lễ hội… Đặc biệt, trong đó nhấn mạnh việc yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; phê bình và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, không tham dự lễ hội với danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị nếu không được cấp có thẩm quyền phân công…
Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ ngay sau đó đã ra công điện 229/CĐ-TTg yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội…
Các cụ ngày xưa thường nói “Lòng thành thắp một nén nhang”, đi lễ là vì lòng thành. Mong rằng với quyết tâm chấn chỉnh biến tướng phát sinh trong cuộc sống hiện đại, các lễ hội truyền thống lại trở về với đúng truyền thống vốn có từ ngàn đời nay của người Việt.
MAI AN