Chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đã từng có nhiều quan điểm trái chiều; thậm chí quan điểm của các bộ có liên quan cũng vênh nhau. Biện minh cho việc chuyển đổi đất lúa sang xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới, Bộ KH-ĐT khẳng định các khu công nghiệp đã đóng góp đáng kể vào tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt tỷ trọng khoảng 20%/năm. Tính bình quân 1ha đất công nghiệp tạo ra giá trị xuất khẩu khoảng 0,9 triệu USD, trong khi giá trị xuất khẩu gạo trung bình chỉ khoảng 320 USD.
Ở phương diện khác, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT cũng như nhiều chuyên gia về kinh tế và bản thân người nông dân lại cho rằng, việc chuyển đổi đất nông nghiệp ồ ạt như thời gian qua đã gióng lên những báo động về an sinh xã hội, ảnh hưởng tới quyền lợi cũng như số phận của hàng triệu người nông dân, gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực. Đó là chưa kể tình trạng các khu công nghiệp nối nhau hình thành trên những cánh đồng để rồi chỉ lèo tèo mọc lên dăm ba nhà xưởng, còn các dự án đô thị thì bỏ hoang, hàng ngàn biệt thự bỏ trống đang góp phần làm hoang lạnh nền kinh tế…
Cũng có quan điểm cho rằng, nhờ có tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ mới, nghiên cứu ứng dụng giống mới nên năng suất lúa liên tục tăng cao. Do vậy, chỉ cần để hai vựa lúa là đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng là có đủ thóc gạo cho cả nước. Thậm chí, có người còn khẳng định rằng, chỉ cần vựa lúa Thái Bình cũng đủ nuôi cả miền Bắc. Do đó không cần phải khăng khăng giữ đất nông nghiệp, có thể cho chuyển đổi sang phi nông nghiệp để đảm bảo công nghiệp hóa. Nhưng phản biện lại, nhiều người cho rằng hiện nay năng suất lúa của nước ta đã tăng “kịch trần”, đến 11 - 12 tấn/ha và không thể tăng thêm nữa. Do đó, càng thu hồi ruộng, đất lúa bị co hẹp thì sản lượng lúa chia đầu người càng giảm. Đó là chưa kể, sản xuất lúa gạo hiện nay phải đối mặt với nhiều nguy cơ sụt giảm sản lượng như thiên tai bão lũ ngày càng cực đoan, liên tục xảy ra rét đậm rét hại trong khi điều kiện KH-CN chưa thể khắc phục, sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Nguy cơ xa hơn là nước biển dâng, nhiều diện tích trồng lúa nước ở duyên hải sẽ chìm trong nước biển.
Bởi thế, giữ lấy những vựa lúa nước cho con cháu muôn đời sau, như lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, không chỉ vì chúng ta sở hữu một lợi thế mà chẳng phải nước nào cũng có, thậm chí Việt Nam còn đang là một trong hai vựa lúa quan trọng của thế giới. Điều quan trọng hơn, để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ta không nên tính chỉ trong vài chục năm, mà phải cả trăm năm.
Theo các chuyên gia, thực ra để giữ được 3,8 triệu ha đất lúa cũng không phải khó, nếu ta thực thi những chính sách “rắn” để giữ và ngăn chặn các biểu hiện mang tính cục bộ địa phương, thậm chí vì lợi ích nhóm khi đua nhau vẽ dự án trên đất lúa. Muốn làm được phải quy hoạch những vùng cần giữ lại trồng lúa, thậm chí có thể cắm mốc thực địa, “vạch chỉ đỏ” trên bản đồ chi tiết của từng thửa ruộng và để tuyệt đối cấm xâm phạm vào đất lúa. Việc quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị mới phải ở những nơi ít có lợi thế về trồng lúa nước như ở trung du miền núi, đi kèm là chính sách thỏa đáng, đủ sức lôi kéo doanh nghiệp đầu tư vào những khu vực này.
Bên cạnh những phân tích, cảnh báo đã đến lúc cần có sự quyết tâm bằng những chế tài đủ mạnh, bằng việc ban hành những quy định cụ thể, như nếu địa phương làm mất diện tích đất lúa trong quy hoạch sẽ bị xử lý bằng chế tài tương ứng…
Đất lúa đã, đang và sẽ tiếp tục biến mất nếu mục tiêu giữ đất lúa không trở thành quyết tâm chính trị, gắn liền với nhiệm vụ cụ thể của lãnh đạo các địa phương. Chỉ có như vậy, những “bờ xôi ruộng mật” mới không tiếp tục mất đi vì những cơn mê lợi ích cục bộ và ngắn hạn.
Văn Nguyễn