Giữ sinh kế trong biến đổi khí hậu

Trung tuần tháng 3-2018, nhiều người dân ở một số tỉnh ven biển miền Tây thiếu nước ngọt sinh hoạt. Trong khi đó, hàng loạt nông dân vừa thu hoạch xong lúa đông xuân đã tranh thủ xuống giống ngay lại vụ hè thu sớm.
Nguồn nước ngọt mùa khô ngày càng khan hiếm, trong xu hướng nước biển dâng, mức độ xâm nhập mặn tiếp tục đe dọa sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt người dân. Việc dự báo chính xác, khuyến cáo các giải pháp kịp thời để người dân chủ động trong mùa khô hạn là yêu cầu cấp bách. 

Năm 2017 vừa qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) phức tạp gây nhiều hình thái thời tiết dị thường, thiên tai bão, lũ, hạn mặn xảy ra liên tiếp, kéo dài cả năm trên khắp cả nước, gây thiệt hại lớn đến kết cấu hạ tầng, sản xuất và đời sống của nhân dân. Theo Bộ NN-PTNT, năm 2017, thiên tai đã làm 385 người chết và mất tích, 636 người bị thương; 8.166 nhà bị đổ, sập, trôi; 557.673 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; hơn 361.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 69.757 con gia súc và 1,98 triệu con gia cầm bị chết; 274km đê, kè, 689km kênh mương, 177km bờ sông, bờ biển bị sạt lở... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 60.000 tỷ đồng. Tại ĐBSCL mùa khô hạn trong những năm gần đây càng khốc liệt. Trong đó, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đời sống sinh hoạt của người dân bị xáo trộn. Nhiều người phải ly hương dưới áp lực của thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Không chỉ khô hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng mà tình trạng sụp lún đất, sạt lở bờ sông, đê biển ngày càng diễn ra trầm trọng trên diện rộng ở nhiều địa phương.

Trong vài năm gần đây, câu chuyện hạn, mặn trong mùa khô chính là vấn đề nan giải của vựa lúa ĐBSCL. Trước đây, người dân chỉ “chạy lũ” di dân cục bộ thời gian ngắn rồi quay về địa phương tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, tác động của hạn, mặn nặng nề hơn. Nhiều vùng đất trở nên “sa mạc hóa”. Tình trạng di dân về các đô thị lớn tìm phương kế mưu sinh, bỏ trống đất ngày càng nhiều. “Đến nhiều vùng nông thôn ĐBSCL, chúng tôi không khỏi giựt mình vì trai trẻ bỏ quê đi nơi khác mưu sinh rất nhiều. Chỉ còn phụ nữ và người già bám trụ ở quê”, một nhà khoa học ở Trường ĐH Cần Thơ tâm sự. Trước thực trạng đó, nhiều hội thảo với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, lãnh đạo Chính phủ nhằm tìm ra một giải pháp để ĐBSCL thích ứng với BĐKH, giảm thiểu những tổn thương ở vùng đất đang chịu tác động kép: nước biển dâng, xâm nhập ngày càng sâu vào nội đồng; thiếu nước ngọt do nhiều nước xây dựng đập thủy điện trên dòng Mê Công.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Quyết định này được xem là các “bộ khung” căn cơ để các địa phương và bộ ngành ngành thực hiện nhằm giúp người dân trong vùng có thể an sinh. Theo đó, Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đưa nhiều giải pháp. Về tổ chức không gian lãnh thổ, hình thành các tiểu vùng sinh thái làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn…). Bên cạnh đó, tổ chức, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái; rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư, trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh rạch có nguy cơ sạt lở cao nhằm tránh rủi ro…

Các nhà khoa học đang lo lắng về việc các đập thủy điện trên dòng Mê Công “giết” dần ĐBSCL do phù sa (chứ không phải nguồn nước). Trước khi có các đập thủy điện, tổng lượng phù sa tới vùng hạ lưu sông Mê Công khoảng 85 triệu tấn/năm (cả phù sa lơ lửng và bùn cát đáy). Các nhà khoa học đã tính toán rằng tổng lượng phù sa đã sụt giảm mạnh chỉ còn 10,4 triệu tấn/năm (giảm 78%). Đây là một cảnh báo nghiêm trọng về sự phát triển của châu thổ ĐBSCL. Bởi ĐBSCL được kiến tạo một phần bởi phù sa bùn, cát bồi đắp từ dòng Mê Công hàng ngàn năm qua. Tình trạng đất sụp lún, trượt ngày càng gia tăng ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, kéo theo là người dân trong vùng đang xài hoang phí các tầng nước ngầm. Theo số liệu quan trắc từ năm 1995 đến nay, tốc độ hạ thấp mực nước trung bình trong các tầng nước ngầm ĐBSCL khoảng 0,15 - 0,4m/năm (tùy theo tầng chứa nước và tùy theo từng khu vực). Khu vực có tốc độ hạ thấp mực nước lớn là tại các khu vực tập trung khai thác nước dưới đất quy mô lớn. Việc khai thác tầng nước ngầm ở ĐBSCL còn mang tính tự phát, chưa được phân bổ quy hoạch khai thác một cách hợp lý. Đáng báo động là việc khai thác nguồn nước dưới đất mặn để nuôi tôm đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt ở các vùng ven biển đã được ngọt hóa. Hệ lụy của nó là gây ra hiện tượng xâm nhập mặn ở ngay các tầng chứa nước khác.

ĐBSCL đang trở thành vùng đất dễ “tổn thương” và người dân luôn đối diện với nguy cơ rủi ro trong sản xuất. Để giảm thiểu thiệt hại trước tiên trông cậy vào những dự báo kịp thời, cụ thể của cơ quan chức năng. Các địa phương phải đưa ra cảnh báo, hướng dẫn cụ thể cho người dân từng vùng trong sản xuất. Đồng thời triển khai nhanh các giải pháp cung cấp nước ngọt thông qua hệ thống cung cấp nước từ các nhà máy. Đây chính là chiến lược căn cơ cho sinh kế người dân trong vùng. 

Tin cùng chuyên mục