Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh:
Ngày 18-8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm Hội nghị ngoại giao lần thứ 29, diễn ra tại Hà Nội từ ngày 21 đến 26-8.
Phó Thủ tướng nhận định, hội nghị ngoại giao lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới biến động khôn lường, bất ổn ngày càng tăng lên và lan tỏa nhanh chóng, tranh chấp chủ quyền diễn ra hết sức phức tạp… Trong khi đó, kinh tế thế giới chưa thoát khỏi trì trệ, quá trình liên kết kinh tế các khu vực, tiểu khu vực phát triển nhanh với trên 150 hiệp định thương mại tự do được ký kết, đặt ra thách thức là các nước sẽ tranh thủ lợi ích của các hiệp định này như thế nào để phát triển đất nước.
Hội nghị sẽ đánh giá lại tình hình thế giới, tác động, thách thức đối với đất nước để từ đó kiến nghị các giải pháp về mặt đối ngoại nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của đại hội đề ra là duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho đất nước phát triển, đồng thời bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Hội nghị tập trung bàn biện pháp để thực hiện mục tiêu cao nhất của đất nước ta trong giai đoạn sắp tới là làm sao duy trì được môi trường hòa bình, ổn định của đất nước thông qua việc tăng cường quan hệ với các nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: T.L
Theo Phó Thủ tướng, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là chủ đạo trên cơ sở hội nhập của các lĩnh vực khác. Do đó, ngoại giao sẽ phải thay đổi tư duy như thế nào để đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong việc tranh thủ cơ hội và thuận lợi từ hội nhập quốc tế nói chung cũng như các hiệp định thương mại tự do. Đất nước ta đã và đang hội nhập tích cực với quốc tế. Từ chủ trương ban đầu là hội nhập một lĩnh vực kinh tế, trong 5 năm vừa qua chúng ta đã hội nhập trên tất cả các lĩnh vực, điển hình là hợp tác quốc phòng - an ninh, hay lần đầu tiên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế của Liên hiệp quốc, là thành viên của Hội đồng nhân quyền, đóng vai trò tích cực trong ASEAN… Đó là những thành tựu hết sức nổi bật trong lĩnh vực đối ngoại.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tình hình thế giới biến động hết sức nhanh trong thời gian qua, bất cứ tình hình gì xảy ra ở bất cứ khu vực nào sẽ tác động đầu tiên là đến các nước ở khu vực đó và lan tỏa ra khu vực khác. Tình hình trong thời gian vừa qua cũng nổi lên một vấn đề là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn hết sức phức tạp, gay gắt trên nhiều lĩnh vực không chỉ về chính trị, quân sự mà cả về kinh tế. Sự cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ ảnh hưởng tới các nước khác, dẫn tới tình trạng tập hợp, lôi kéo lực lượng, nước nào không đảm bảo được vai trò độc lập tự chủ của mình sẽ bị ảnh hưởng hết sức to lớn. Trong thời gian qua chúng ta đã đánh giá đúng và phản ứng được môi trường tác động đó. Kết quả là chúng ta duy trì được môi trường hòa bình mặc dù những năm qua chứng kiến những biến động lớn ở bên ngoài cũng như ở biển Đông.
Lịch sử đã chứng minh, chúng ta đã rút ra các bài học kinh nghiệm, không để bất cứ lực lượng nào có thể lôi kéo vào cạnh tranh, vì chúng ta thực hiện đường lối độc lập tự chủ và kinh nghiệm chỉ thực hiện như vậy mới bảo đảm được độc lập, chủ quyền và không bị lôi kéo vào bất cứ liên minh nào. để làm được chúng ta phải phát triển quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở lợi ích chung.
Về vấn đề biển Đông, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề lợi ích của các nước. Đó là lợi ích về an ninh hàng hải, an toàn an ninh, là trách nhiệm của các nước. Quan điểm của Việt Nam là không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực mà giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982. Các nước cần hết sức kiềm chế trên biển Đông, không làm ảnh hưởng môi trường, cùng nhau tìm các biện pháp giải quyết tranh chấp.
BÍCH HẰNG (ghi)