Vừa qua, nhiều báo dẫn lời Phó Thủ tướng Campuchia Yim Chay Ly trong buổi tiếp Đại sứ Việt Nam Ngô Anh Dũng, đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc của tổ chức Global Witness (GW) cho rằng doanh nghiệp của Việt Nam phá rừng tại quốc gia này. Trước đó, Chính phủ Lào cũng phản ứng tương tự. Phải chăng GW có ý đồ bất minh khi đưa ra cáo buộc phi lý này?
Campuchia, Lào bảo vệ lẽ phải
Theo Thông tấn xã Việt Nam, Phó Thủ tướng Yim Chay Ly cho biết: “Chúng tôi đã điều tra và sự thật không phải như thế, có đến tận nơi, nhìn tận mắt mới biết sự thật thế nào”. Lãnh đạo hai tỉnh Kampong Thom và Kratie, 2 địa phương mà các doanh nghiệp Việt Nam bị cho là “phá rừng” và “đuổi dân” cũng có mặt và báo cáo kết quả điều tra thực tế. Từ đó, lãnh đạo Chính phủ Campuchia khẳng định, hình ảnh rừng bị chặt phá được GW sử dụng để cáo buộc là hình ảnh xảy ra từ thời… Khmer Đỏ và ngụy tạo nhân chứng!
Phó Thủ tướng Yim Chay Ly khẳng định: “Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia đã góp phần cải thiện tình hình lao động ở đất nước chúng tôi, nhiều người có việc làm. Các doanh nghiệp cao su Việt Nam xây dựng hệ thống điện, đường, trường, cơ sở y tế… góp phần tích cực phát triển đất nước Campuchia”.
Trước đó tại Lào, Vụ trưởng Báo chí Bộ Ngoại giao Lào Sithong Chitnhothinh cũng khẳng định trước báo giới rằng: Đây là luận điệu vu cáo phi lý đối với Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG)- những doanh nghiệp đang đầu tư tại Lào với trị giá lớn. Truyền thông của Lào đã liên tiếp đăng tải những bài viết về đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam cho đất nước Lào. Ngày 3-6, báo Đất nước Lào của Thông tấn xã Phathet Lào và báo Lào Phatthana của Hội Nhà báo Lào số ra ngày 3-6 đã đăng bài, ảnh đánh giá cao VRG trong quá trình đầu tư tại Lào. Theo đó, VRG chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Lào, bảo vệ môi trường, biến vùng đất rừng nghèo nàn lạc hậu thành những nông trường cao su bạt ngàn xanh tốt. Tập đoàn đặc biệt chú trọng xây dựng các công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm đồng bộ, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của cư dân, cải tạo bộ mặt nông thôn, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội trong vùng có dự án…
Ngày 22-5, báo Đất nước Lào và báo Lào Phatthana của Hội Nhà báo Lào đã đăng bài viết nói về sự đổi thay của tỉnh Attapeu, một tỉnh nghèo nay đã thay da đổi thịt nhờ sự đầu tư của HAG. Tỉnh trưởng Attapeu Khanphan Phommathat cho biết, Attapeu đất đai không tốt, phương thức sản xuất lạc hậu nên kinh tế không phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tỉnh kêu gọi đầu tư nhưng rốt cuộc nhiều doanh nghiệp đến rồi lại bỏ đi, vì chê đất cằn và xấu, chỉ có HAG trụ lại và quyết tâm đầu tư, giúp đỡ địa phương. Chủ đầu tư đã dồn công dồn sức biến những cánh rừng nghèo thành những dự án trồng cao su, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống người dân đã được nâng cao rõ rệt, nhưng quan trọng hơn là tập đoàn đã cải tạo được vùng đất, giúp người dân xóa bỏ được tập quán làm ăn lạc hậu săn bắn hái lượm, trở thành những công nhân làm giàu trên mảnh đất của mình. Cũng theo bài báo, HAG đã giúp đỡ không hoàn lại 35 triệu USD cho công tác an sinh xã hội tại các địa phương này như xây dựng một bệnh viện 200 giường, 1.000 căn nhà tái định cư, hàng trăm kilômét đường cấp phối đến các vùng dân cư; xây dựng nhiều cầu kiên cố giúp người dân đi lại thuận tiện; giải quyết việc làm cho 20.000 người.
GW không trong sáng?
Sau khi tung ra báo cáo trên trang web và gặp sự phản ứng từ HAG, ngày 20-5, trong một “phản hồi”, bà Megan MacInnes - Trưởng nhóm Tài nguyên đất của GW, cũng là một trong những tác giả của báo cáo, vẫn cố biện minh rằng chứng cứ nêu trong báo cáo là “đúng”, đồng thời nhận xét: “Thay vì giải quyết các vấn đề được nêu ra trong báo cáo và cải thiện cuộc sống của hàng trăm người dân bị ảnh hưởng, HAG có vẻ chỉ quan tâm đến hình ảnh của mình”. Trong khi ấy, qua tìm hiểu thực tế, Chính phủ Lào, Campuchia đã khẳng định GW đã sai.
Việc trồng cao su tại Lào, Campuchia không chỉ có các doanh nghiệp của Việt Nam mà còn hàng trăm công ty của các nước khác cũng đang đầu tư hàng trăm ngàn hécta đất. Tuy nhiên, tại sao GW không nêu lên một hiện trạng đầy đủ, khách quan mà lại phiến diện khi chỉ trích vô lý các doanh nghiệp của Việt Nam?
Lương Thiện