Hệ thống cầu vượt
Điểm lại hiệu quả từ việc các cây cầu vượt được đưa vào khai thác trong thời gian qua, có thể nói một cách khái quát, TPHCM đã bước đầu tháo gỡ thành công các điểm nóng ùn tắc trên địa bàn.
Hiệu quả từ 6 cây cầu vượt
Cho đến nay, trên địa bàn thành phố có tổng cộng 6 cầu vượt bằng thép được đưa vào khai thác. Tất cả các cầu vượt này đều nằm ở những vị trí thuộc loại “điểm nóng” giao thông, tức là đã và đang quá tải trầm trọng cũng như đều có tuổi đời khai thác còn rất trẻ, không quá một năm. Đó là các cầu vượt Thủ Đức, cầu vượt Hàng Xanh - quận Bình Thạnh, cầu vượt Lăng Cha Cả - quận Tân Bình, cầu vượt tại giao lộ 3 Tháng 2 - Nguyễn Tri Phương - Lý Thái Tổ - quận 10, cầu vượt giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa - Tân Bình và cầu vượt tại vòng xoay Cây Gõ - quận 6.
Trước tiên là cầu vượt Thủ Đức và cầu vượt Hàng Xanh. Được khởi công cuối tháng 7-2012, cầu vượt Thủ Đức nằm lệch về bên phải theo hướng Sài Gòn - Biên Hòa, mép cầu bên trái nằm sát tim xa lộ Hà Nội. Cầu có kết cấu bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực được thiết kế với tuổi thọ 100 năm. Cầu dài 570m, rộng 16m trong đó phần cầu dài 278m gồm 7 nhịp liên tục. Cầu có quy mô 4 làn xe, mỗi chiều 2 làn xe và vận tốc thiết kế 60 km/giờ và chỉ dành cho ô tô. Trong khi đó cầu vượt tại ngã tư Hàng Xanh trùng với tim đường Điện Biên Phủ hiện hữu. Cầu vượt Hàng Xanh dài 390m, rộng 16m trong đó phần cầu dài 222m gồm 8 nhịp, mỗi nhịp dài 27m. Cầu có quy mô 4 làn xe, mỗi chiều 2 làn có khả năng lưu thông với vận tốc 40km/giờ. Cả hai cầu được thông xe cùng ngày 27-1-2013 tức là ngay trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ và cả hai đều hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra, trong đó cầu vượt Thủ Đức vượt tiến độ 1 tháng còn cầu vượt Hàng Xanh xong sớm hơn lộ trình 2 tháng.
Cầu vượt bằng thép thứ 3 trên địa bàn thành phố được hoàn tất thi công, thông xe vào dịp 30-4 ở giao lộ Lăng Cha Cả, quận Tân Bình. Cầu vượt Lăng Cha Cả dài 244m, rộng 6,5m dành cho một làn xe máy và một làn ô tô tải trọng dưới 10 tấn lưu thông theo hướng từ Cộng Hòa về Hoàng Văn Thụ.
Ngay trước lễ Quốc khánh, vào ngày 27-8 thêm hai cầu vượt nữa được chính thức thông xe, đó là cầu vượt tại giao lộ 3 Tháng 2 - Nguyễn Tri Phương - Lý Thái Tổ thuộc quận 10 và giao lộ Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa, quận Tân Bình. Cầu vượt tại nút giao Nguyễn Tri Phương - 3 Tháng 2 - Lý Thái Tổ dài hơn 388m, rộng gần 10m gồm 2 làn xe cho xe máy, ô tô dưới 9 chỗ và xe buýt lưu thông. Còn cầu vượt tại giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám dài 268m, rộng gần 10m, có 2 làn xe cho ô tô dưới 9 chỗ và xe buýt. Hai cây cầu vượt này hoàn thành sau 4 tháng thi công, tiến độ nhanh hơn kế hoạch 1 tháng.
Nút giao thông khác mức - giải pháp chống ùn tắc
Gần đây nhất, ngày 19-10, TPHCM đã chính thức thông xe cầu vượt tại vòng xoay Cây Gõ - quận 6. Nét độc đáo của cầu vượt mới nhất này là có thiết kế hình chữ Y, mang tính thẩm mỹ cao và là cầu vượt lớn nhất thành phố tính cho đến nay, bởi thế người dân còn gọi tắt là “cầu vượt chữ Y”. Theo thiết kế, cầu vượt vòng xoay Cây Gõ có 14 nhịp, trục chính từ đường Hồng Bàng dài 350m với hai làn xe chạy và một trục phụ từ đường 3 Tháng 2 nối vào đường Hồng Bàng đi ngã ba An Lạc, dài 230m đổ về các tỉnh miền Tây được thiết kế dành cho các phương tiện xe thô sơ và xe khách.
Sở Giao thông Vận tải TP đã cho thấy sự cân nhắc, thận trọng khi chọn địa điểm xây dựng cầu vượt. Lấy cầu vượt chữ Y làm ví dụ. Từ nhiều năm qua, do đặc thù là cửa ngõ dẫn vào, ra trung tâm thành phố từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, nút giao thông vòng xoay Cây Gõ nổi danh là khu vực ùn tắc giao thông nghiêm trọng, là sự nhức nhối của thành phố và gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Trong những giờ cao điểm khu vực này luôn có mật độ giao thông dày đặc, khiến lực lượng cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng địa phương phải rất vất vả điều tiết giao thông.
Trong khi đó, cầu vượt tại Lăng Cha Cả quận Tân Bình là đầu mối nối các quận huyện cửa ngõ Tây Bắc TP, vốn dĩ thường trực có lưu lượng lớn xe các loại. Còn cầu vượt tại ngã tư Hàng Xanh thì miễn bàn về mức độ phức tạp giao thông vốn có. Trước khi có cầu vượt Hàng Xanh, các phương tiện luôn bị ám ảnh về nguy cơ bị mắc kẹt bất cứ lúc nào khi phải qua đây, đặc biệt trong các giờ cao điểm. Sự hiện diện của cầu vượt Hàng Xanh đã gỡ bỏ được nỗi lo ấy.
Có một thực tế là cho đến giờ phút này, giao thông đi lại tại TPHCM vẫn chủ yếu và đơn thuần là giao thông đồng mức. Tất cả và đủ loại phương tiện giao thông lớn bé, công cộng lẫn cá nhân, nội tỉnh lẫn ngoại tỉnh đều chen chúc trên cùng một mặt phẳng. Trong bối cảnh số lượng và mật độ phương tiện giao thông cứ càng lúc càng tăng theo đà phát triển còn diện tích đất dành cho giao thông thì không thể hoặc không dễ tăng thêm, người dân lẫn cơ quan chức năng không mệt mỏi, đau đầu vì ùn ứ tắc nghẽn giao thông mới là chuyện lạ.
Có nhiều cách để giải quyết bài toán giao thông đô thị, từ giải pháp ngắn hạn đến giải pháp cho tương lai dài hạn, nhưng phát triển giao thông khác mức là một lối thoát khả thi, đặc biệt chúng ta đang chờ các phương tiện giao thông công cộng số lượng lớn, hiện đại xuất hiện như metro, monorail… Cầu vượt bằng thép là một phần của giao thông khác mức. Từ khi có cầu vượt bằng thép, giao thông tại các giao lộ ấy đã được cải thiện thấy rõ, mức độ thông hành phương tiện đã tốt hơn nhiều. Vì thế sẽ không lạ nếu như trong thời gian tới địa bàn thành phố lại có thêm nhiều cây cầu vượt khác nữa được xây dựng, đưa vào sử dụng.
THIỆN NHÂN