Gỡ khó cho doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng

Gỡ khó cho doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng

Năm 2015 đã đi được gần 3/4 chặng đường, và cho đến thời điểm này đã có nhiều ý kiến lạc quan về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm vẫn cần tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Và điều quan trọng, theo như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cần tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nhằm tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Thị trường tín dụng 8 tháng đầu năm (2011 - 2015)

Tín dụng tăng cao hỗ trợ tăng trưởng

Trong báo cáo cập nhật kinh tế được công bố ngày 22-9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2015 và 6,6% vào năm 2016. Đây là mức cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam mà ADB đưa ra hồi đầu năm (năm 2015 tăng trưởng 6,1% và năm 2016 là 6,2%). Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, việc định chế tài chính này nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là kết quả của nhiều yếu tố, như sản xuất công nghiệp tốt hơn, doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh xuất khẩu... Niềm tin của người tiêu dùng tăng lên, chính sách mở thêm room thị trường chứng khoán, bất động sản củng cố niềm tin của doanh nghiệp. Lạm phát thấp cũng hỗ trợ tăng trưởng, cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Nhìn vào các số liệu vĩ mô, có thể thấy rằng nhận định trên là có cơ sở. Tại hội thảo “Cơ chế và giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp” cũng được tổ chức ngày 22-9 ở Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tính đến hết tháng 8-2015, tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng 10,23% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều so với mức 5,62% của cùng kỳ năm 2014 và tăng đều ngay từ những tháng đầu năm 2015. Tín dụng tăng mạnh cùng với sự phục hồi của khu vực sản xuất đã giúp tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,28%. Với đà phục hồi này, theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 sẽ ở mức 6,4% và cả năm 2015 hoàn toàn có thể đạt 6,5% như mục tiêu đề ra. Ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng vào sản xuất, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, triển khai các chương trình cho vay liên kết nhằm tạo sự đột phá trong đầu tư tín dụng. Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. “Với đà như hiện nay, tăng trưởng tín dụng cả năm chắc chắn sẽ đạt mức 16,5%, hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%”, ông Nguyễn Tiến Đông nói.

Sản xuất băng tải cao su ở Công ty Cổ phần cao su Bến Thành (Ảnh: Việt Dũng)

Cần tính đến việc giảm thêm lãi suất

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan điều hành vẫn cần nỗ lực hơn nữa để khơi thông dòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu cho biết, vừa qua chính sách tiền tệ có những cố gắng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm hơn tới hỗ trợ vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ lẻ, công tác an sinh xã hội cần được đầu tư nhiều hơn nữa.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã rất thành công trong việc ổn định tỷ giá, giảm lãi suất, nhưng ở thời điểm hiện nay lạm phát rất thấp, chưa đầy 1%. Điều đó cho thấy lãi suất hiện nay tương đối cao so với lạm phát. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến việc giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. “Hiện nay rất nhiều ngân hàng thương mại đã sử dụng hết hạn mức tăng tín dụng, không có khả năng cho vay tiếp. Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, tôi cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đưa ra một chính sách nới lỏng tín dụng một cách hợp lý, linh hoạt, công bằng, minh bạch. Đây là điều rất cần thiết để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Trả lời các kiến nghị này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã đưa ra định hướng tăng tăng trưởng tín dụng từ 13% - 15%. Tùy theo điều kiện kinh tế vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo có thể đưa tăng trưởng tín dụng từ 13% - 15% lên 17%. Đối với tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 55 thay thế Nghị định 41 với nhiều điểm mới như: tăng cho vay tín chấp, bổ sung đối tượng mới được cấp tín dụng, khuyến khích liên kết phát triển…

Đẩy mạnh cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế

Bên cạnh việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giữ ổn định vĩ mô và đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng được xem là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Theo ông Eric Sidgwick, có không ít thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới. Đó là tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc - đối tác quan trọng của Việt Nam đang suy giảm, kéo theo triển vọng thương mại ảm đạm hơn. Giá hàng hóa thế giới ở mức thấp cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu dầu mỏ và nông nghiệp. Để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, các chuyên gia ADB cho rằng Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho đến nay chúng ta mới đi được nửa chặng đường ổn định vĩ mô. “Nói chặng đường là 100 điểm thì chúng ta mới đi được 65 - 70 điểm. Vẫn còn bề bộn công việc phía trước”, TS Võ Trí Thành nói. Phân tích thêm về bức tranh kinh tế hiện nay, TS Võ Trí Thành cho biết tăng trưởng tín dụng có thể đến 17%, nhưng không thể tăng lên 30% như trước đây. Trong 5 - 6 tháng nữa cũng khó có thể giảm thêm lãi suất bởi lạm phát có thể tăng do đồng USD đang lên giá. Tổng đầu tư xã hội giảm bởi ngân sách khó khăn, thâm hụt ngân sách năm nay có thể lên 5%, áp lực chi rất lớn. “Vậy chúng ta trông chờ vào cái gì? Chúng ta chỉ có thể trông chờ vào lòng tin về sự ổn định, tái cấu trúc, cải cách môi trường kinh doanh”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục