Gỡ nút thắt tái cơ cấu nông nghiệp

Chuyện tái cơ cấu nông nghiệp đã được bàn nhiều, bàn mãi, rồi đụng tới liên kết vùng, đụng tới cơ chế… Ai mà chẳng biết, muốn làm nông nghiệp hiệu quả cao thì phải liên kết vùng, rồi phân công hợp lý, tạo ra mô hình sản xuất lớn, năng suất cao, giá thành giảm… Tuy nhiên, trên thực tế mỗi tỉnh có một cơ chế, chính sách riêng; để thống nhất với nhau không hề đơn giản. Ngoài chuyện liên kết vùng, vấn đề cần được tính đến là biến đổi khí hậu. Nhưng để giải quyết việc này không phải cấp tỉnh làm được, mà phải Trung ương, tầm quốc gia, vĩ mô… Với hàng loạt chuyện như thế, nên tôi nghĩ rằng phải tính toán hợp lý để giải phương trình từng bước một.

Ở Đồng Tháp, khi xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2020 và định hướng đến năm 2030, nhiều ý kiến nói sao mấy ông đặt gì xa vậy? Tôi giải thích đâu phải chuyện gì cũng có thể giải quyết được liền. Chỉ riêng bàn chuyện tích tụ ruộng đất đã đụng tới Luật Đất đai, mà không biết 5 năm nữa có gỡ được không; trong khi ai cũng biết sản xuất lớn phải tích tụ ruộng đất. Nếu giờ chưa giải quyết được nút thắt ấy, chẳng lẽ mình chưa tái cơ cấu. Do đó, cần phải vừa làm, làm tới đâu, tính tới đó theo kiểu “dò đá qua sông”. 

Theo đề án tái cơ cấu của ngành nông nghiệp mà Thủ tướng phê duyệt thì rất rộng. Đối với Đồng Tháp, chúng tôi xin phép Trung ương cho làm theo đặc thù của địa phương. 

Trong một hội nghị gần đây, Thủ tướng đặt câu hỏi tại sao các tổng công ty lớn như Vinafood 1, Vinafood 2… lại không nghiên cứu ra một giống lúa gì chất lượng cao? Tôi nói rằng, với cơ chế thế này không bao giờ có được, bởi doanh nghiệp cứ đến mùa vụ là đi thu mua, sơ chế rồi xuất khẩu, chứ mắc mớ gì người ta đầu tư. Đấy là doanh nghiệp nhà nước. Còn doanh nghiệp tư nhân, vừa rồi, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đi thăm một số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở Đồng Tháp và nghe họ kiến nghị. Chúng tôi cũng ngồi làm việc nhiều lần với các bộ, ngành trung ương và nhận ra rằng, động lực dẫn dắt tái cơ cấu nông nghiệp chính là doanh nghiệp chứ không ai khác.

Theo đó, muốn tái cơ cấu thành công phải theo thị trường. Mà tín hiệu thị trường thì thông qua doanh nghiệp. Doanh nghiệp là người tìm thị trường, rồi mang giống về thuê nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Có như vậy thì “đầu vào và đầu ra” mới ăn khớp được. Vai trò của doanh nghiệp là quan trọng, tuy nhiên ngành ngân hàng vẫn còn tâm lý chỉ muốn rót vốn về cho doanh nghiệp nhà nước, vì độ rủi ro ít. Trong khi doanh nghiệp tư nhân vẫn khó khăn tiếp cận vốn. Vấn đề này khiến địa phương gặp khó trong chính sách thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp. 

Nếu ta làm chính sách tốt thì nguồn lực từ doanh nghiệp tư nhân rất lớn, góp phần tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp. Ở Đồng Tháp, có doanh nghiệp Cẩm Nguyên đầu tư hơn 500 tỷ đồng vào nông nghiệp mà không đòi hỏi được hưởng ưu đãi. Thực tế cho thấy, khi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có mấy cái lợi. Một là, họ dẫn dắt thị trường, tự nghiên cứu KHCN và áp dụng vào thực tiễn. Hai là, chính doanh nghiệp vào sẽ giải được bài toán kinh tế hợp tác. Trước đây ĐBSCL cũng như cả nước không ai muốn vào HTX. Nhưng nay, nông dân đã biết tự hợp tác lại, làm đối trọng với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản. Ba là, khuyến nông, bản thân doanh nghiệp làm khuyến nông rất tốt, mà mô hình FF (Bạn của nông dân) của Công ty CP BVTV An Giang là một ví dụ.

Muốn đưa chính sách vào cuộc sống, trước tiên phải đưa cuộc sống vào chính sách. Muốn đưa tái cơ cấu vào đồng ruộng phải biết suy nghĩ của nông dân như thế nào, suy nghĩ của doanh nghiệp ra sao… Nếu chúng ta giải quyết các việc đó rốt ráo thì tái cơ cấu nông nghiệp chắc chắn thành công.

Vừa rồi tôi có đi gặp ông Lê Văn Lam, người nông dân viết thư cho Thủ tướng, ông nói rất hay. Tại sao không phá bỏ bờ vùng, bờ thửa, chỉ để sợi dây căng ra phân chia ranh giới. Làm được việc này sẽ có thêm diện tích đất lớn và dễ đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tích tụ cũng dễ hơn. Ông Lam nói câu, tôi rất bất ngờ: “Nghe bà con mình cứ đòi giá lúa phải cao. Tui trả lời, giá không thể cao được, vì cả thế giới bán gạo chứ đâu riêng mình. Vấn đề là phải hợp tác lại để giảm giá thành sản xuất, giảm chi phí đầu vào thì lợi nhuận sẽ tăng lên, chứ đừng trông mong giá cao; bởi mình có quyết định được giá đâu?”. 

Có 2 cái bẫy mà nông dân hay mắc, đó là câu “được mùa mất giá”. Về mặt kinh tế, được mùa thì sản lượng tăng nhưng cầu không tăng, giá giảm, là hiển nhiên. Như vậy, hướng tiếp cận của chúng ta là không phải tăng giá, mà cần tăng giá trị gia tăng, tức tăng lợi nhuận, giảm chi phí đầu vào. Thứ hai là khi giá nông sản xuống thấp, hầu hết đều đổ lỗi cho doanh nghiệp, thương lái ép giá. Điều này sai hoàn toàn. Giá cả do thị trường quyết định. Bà con cứ muốn nhà nước phải định giá nông sản cao, nhưng tôi nói ví dụ, định giá lúa 5.000 đồng/kg, khi giá thị trường chỉ có 4.500 đồng/kg, ông bán cho ai? Thương lái, doanh nghiệp họ cũng phải làm tất cả các chiêu trò mới mang được nông sản đi xuất khẩu, vượt qua bao rào cản chính thức và phi chính thức mới đưa được nông sản lên kệ của siêu thị nước ngoài. Tất cả phải do thị trường quyết định. 

Do đó, tôi đề nghị khi làm chính sách, chúng ta hướng đến sự ổn định và có cơ chế ưu đãi, thu hút doanh nghiệp nhảy vào, hợp tác sản xuất cho nông dân để giảm giá thành, nâng cao giá trị gia tăng… Đó chính là đích của tái cơ cấu nông nghiệp.

LÊ MINH HOAN
 
(Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp)

Tin cùng chuyên mục