Khi giá sầu riêng và khoai lang ở miền Tây đột ngột giảm mạnh, thị trường trầm lắng vì không xuất khẩu được sang Trung Quốc, chính quyền các địa phương và nông dân mới vỡ lẽ rằng 2 mặt hàng này… không có tên trong danh mục nông sản hàng hóa mà nước bạn nhập từ Việt Nam! Vậy là các địa phương cuống cuồng gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương đưa 2 mặt hàng có sản lượng khá lớn này vào danh mục hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng thủ tục đâu dễ xong trong thời gian ngắn? Sầu riêng đã quá lứa và khoai lang bán đổ bán tháo cũng không xong.
Đó là câu chuyện đang diễn ra. Thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) liên tục nhận được cảnh báo từ các quốc gia nhập khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hay EU kéo dài thời hạn thẻ vàng đối với thủy sản đánh bắt không truy xuất được nguồn gốc mà ngành nông nghiệp đang nỗ lực tháo gỡ. Thi thoảng, vẫn có nhiều lô hàng bị trả về mà nguyên nhân chính là không đáp ứng được chuẩn kỹ thuật. Mặt hàng thủy sản xuất khẩu được đánh giá là một trong những mặt hàng gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật nhất từ các nước phát triển. Theo các chuyên gia, người tiêu dùng, nhất là ở các nước phát triển, không chỉ mong đợi thực phẩm an toàn và chất lượng cao, mà càng quan tâm tới tính bền vững cho môi trường và xã hội. Điều này có nghĩa hàng hóa tiêu thụ tại các thị trường này cần phải được đảm bảo giám sát và quản lý về mặt an toàn, chất lượng, các khía cạnh môi trường và xã hội của sản phẩm. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản hàng đầu trên thế giới. Vì thế, muốn thâm nhập được thị trường khó tính thì hàng hóa nhất thiết phải đáp ứng được chuẩn mực kỹ thuật.
Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu nông sản lại xa nhà máy chế biến, chi phí vận chuyển lớn, nguyên liệu không đảm bảo các yêu cầu chất lượng nên không thể chế biến xuất khẩu được. Hơn nữa, nông dân cũng chưa được hướng dẫn kỹ về các biện pháp xử lý trong trồng trọt và chăn nuôi. Khu vực trồng rau quả rải rác, phân tán, khó xử lý kỹ thuật... thu hoạch chưa đồng loạt, sản phẩm không đồng đều, gây khó khăn cho việc chế biến, xuất khẩu sang thị trường vô cùng khó tính như EU. Đáng lưu ý, vẫn còn hiện tượng sử dụng các hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến, bảo quản rau quả tươi. Không những thế, công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam còn kém, rất ít tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực này được chuyển giao đến nông dân.
Đến thời điểm hiện tại, câu chuyện sản xuất nông nghiệp đã được nâng lên một cấp độ khác: Không thể giữ mãi những tập quán, thói quen nuôi trồng vô tội vạ, mà thay vào đó là sản xuất theo yêu cầu thị trường, sản xuất sạch và đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Để làm được điều đó, trong bảng phân vai 4 nhà thì nhà nước phải đóng vai chính. Tổ chức sản xuất là khâu quan trọng nhất, ngoài ra cần tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các hợp tác xã để kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm, từ đó mới nâng cao được giá trị hàng hóa nông sản.
Theo các chuyên gia, điểm mấu chốt là doanh nghiệp phải nắm bắt được tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Chỉ có tuân thủ nghiêm tiêu chuẩn quốc gia, doanh nghiệp mới hiểu và có cơ sở đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của các quốc gia khác. Đó còn là thay đổi tư duy và cách thức tổ chức sản xuất, tổ chức lại sản xuất thông qua xây dựng mối liên kết; kiểm soát yếu tố nguyên liệu đầu vào; cập nhật các yêu cầu của thị trường vì các nước thường xuyên thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật và phải có sự kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu. Hơn thế, nông dân cũng phải tự đổi mới mình, sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hành nông nghiệp tốt, chú trọng giảm thiểu phân bón, thuốc trừ sâu để đảm bảo vệ sinh môi trường. Có làm được như vậy, nông sản nước ta mới vượt qua được các rào cản kỹ thuật, hướng đến xuất khẩu bền vững!